Vinamilk kiến nghị lên Thủ tướng về việc bị hải quan truy thu thuế

author 00:21 07/12/2017

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp được chấp thuận cho hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, nhưng ngành hải quan hướng dẫn thiếu nhất quán dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.

Sự kiện: Hãy là người dùng sữa thông thái

Hướng dẫn thiếu nhất quán gây khó khăn cho doanh nghiệp 

Mới đây, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, do Cục Giám sát quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan ban hành công văn hướng dẫn thiếu nhất quán dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp và làm giảm sút lòng tin của các doanh nghiệp với chính sách điều hành của Chính phủ.

Cụ thể, vào ngày 30/11 vừa qua Vinamilk đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương.

Cơ quan hải quan đã thông báo về các tờ khai nhập khẩu tại chỗ có C/O from D (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) của Vinamilk.

Đại diện cơ quan hải quan cho rằng, thực hiện theo công văn số 2668a (ngày 30/10/2017) của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương sẽ ấn định thuế đối với các tờ khai trên của Vinamilk từ 1/9/2016 đến nay.

Phía hải quan đưa ra số tiền thuế dự kiến ấn định thuế với hai tờ khai của Vinamilk là hơn 30,2 tỷ đồng. Đối với tờ khai phát sinh trước ngày 1/9/2016, Chi cục Hải quan tạm thời chưa ấn định thuế.

Tại buổi làm việc, đại diện Vinamilk không đồng ý với việc ấn định truy thu thuế theo công văn của cơ quan hải quan.

Vinamilk cho rằng, các lô hàng xuất nhập khẩu tại chỗ mà công ty thực hiện đều theo công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. Cơ quan hải quan đã chấp thuận C/O ưu đãi đặc biệt do các cơ quan được Bộ Công thương ủy quyền bằng công văn số 1744 ngày 22/4/2011.

Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2017, cơ quan hải quan lại ban hành công văn số 2668a là thiếu nhất quán và gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại diện Vinamilk đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xem xét việc cho doanh nghiệp hưởng C/O ưu đãi đặc biệt mà đã được cơ quan thẩm quyền được nhà nước cấp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ vì bản chất là đường thô nhập khẩu từ Thái Lan, Công ty cổ phần đường Biên Hòa chỉ nhập, tinh chế lại và xuất khẩu tại chỗ.

Vinamilk cũng cho rằng, việc truy thu chỉ áp dụng khi đã có văn bản thông báo, hướng dẫn chính thức từ Tổng cục Hải quan cho một thời điểm ấn định trong tương lai, không áp dụng hồi tố để truy thu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ mà thực hiện từ 1/9/2016 mà doanh nghiệp đã được cấp C/O hợp lệ.

Trước đó, ngày 30/10/2017, Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 2668a/GSHQ-GQ4: “Áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ” gửi Cục Hải quan các tỉnh/thành phố đề nghị thực hiện theo đúng quy định các Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. 

Sau đó, ngày 28/11/2017, Vinamilk đã làm việc với Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước – Cục Hải quan tỉnh Bình Dương.

Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục Hải quan thông báo cho Vinamilk về việc thực hiện theo Công văn 2668a và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Chi Cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước và Chi Cục Hải quan Tổng hợp Cảng Bình Dương sẽ tiến hành ấn định thuế đối với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có C/O from D, phát sinh từ ngày 1/9/2016 đến nay với số tiền thuế dự kiến ấn định thuế là 8 tờ khai, số tiền khoảng 62,8 tỷ đồng, chưa tính chậm nộp thuế.

Theo Vinamilk, các mặt hàng nhập khẩu bị cơ quan hải quan ấn định thuế có C/O mẫu D là đường tinh luyện mà Vinamilk được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sau khi đã trúng thầu trong phiên đấu giá ngày 7/9/2016 do Bộ Công thương tổ chức.

Cụ thể, Vinamilk trúng 16.000 tấn đối với mặt hàng đường tinh luyện để trực tiếp phục vụ sản xuất của công ty theo công văn số 8700/BCT-XNK của Bộ trưởng Bộ Công thương ngày 19/9/2016.

Thực hiện quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu, Vinamilk đã nhập khẩu đường tinh luyện từ Công ty cổ phần Đường Biên Hòa theo đúng thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo diện gia công được quy định tại Điểm a Khoản 1 Diều 86 của Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Toàn bộ số lượng 12.500 tấn đường tinh luyện xuất – nhập khẩu tại chỗ đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp C/O mẫu D cho đường Biên Hòa.

Theo đó, căn cứ theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2016-2018 các mặt hàng đường tinh luyện mà Vinamilk nhập khẩu từ Đường Biên Hòa nêu trên theo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sẽ được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 5%.

Thực hiện theo quy định pháp luật, Vinamilk đã kê khai nộp thuế, phí đầy đủ cho mặt hàng đường tinh luyện từ ngày 1/9/2016 cho đén nay, đã lên tới 23% giá trị tiền hàng.

Đại diện Vinamilk cho rằng, công văn của ngành hải quan đang gây khó khăn cho doanh nghiệp vì thực tế, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk đã được cơ quan chức năng cho hưởng ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ. Ảnh: Bích Hạnh
 Đại diện Vinamilk cho rằng, công văn của ngành hải quan đang gây khó khăn cho doanh nghiệp vì thực tế, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk đã được cơ quan chức năng cho hưởng ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ. Ảnh: Bích Hạnh

Ai, đơn vị nào đang gây khó khăn cho doanh nghiệp? 

Đại diện Vinamilk cho rằng, trong quá trình nhập khẩu các mặt hàng đường tinh luyện nói riêng và các mặt hàng khác nói chung, Vinamilk luôn tuân thủ và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và ngành hải quan các tỉnh, thành phố về việc thực hiện quy tắc xuất xứ trong Hiệp định ATIGA.

Chính sách về điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đối với mặt hàng đường tinh luyện quy định tại Điều 4 Nghị định 129 hiện hành không có sự thay đổi so với các quy định ban hành trước đó.

Đại diện Vinamilk nhấn mạnh, các điều kiện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng đường tinh luyện là không thay đổi kể từ năm 2012 đến nay. Nhưng các cơ quan quản lý lại đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo thiếu nhất quán như trên.

Hệ quả là gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, đồng thời tạo ra sự bất an cho cộng đồng doanh nghiệp đối với các chính sách quản lý thuế.

Việc doanh nghiệp được cấp mẫu C/O from D đã chứng minh hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất đặc biệt.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã thực hiện thủ tục mở tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, có thực hiện đóng thuế nhập khẩu. Điều này thể hiện đầy đủ bản chất và nguồn gốc của hàng hóa là hàng nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thuế suất đặc biệt.

Bởi vậy, quy định hiện hành yêu cầu hàng hóa hải được nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa (theo điều 4.2(k) Nghị định 129) để được hưởng ưu đãi thuế suất hàng nhập khẩu sẽ dẫn tới phát sinh thêm thủ tục, chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan.  

Đại điện Vinamilk khẳng định, yêu cầu trên vô hình trung cũng đã trái tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giảm bớt thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ tài chính, Tổng Cục trưởng Tổng Cục hải quan vào ngày 1/12/2017, Vinamilk kiến nghị thu hồi Công văn và đình chỉ việc thực hiện theo nội dung Công văn 2668a/GSQL-GQ4 ngày 30/10/2017 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan.

Cần tiếp tục cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất đặc biệt 5% đố với mặt hàng đường tinh luyện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo hạn ngạch căn cứ vào C/O mẫu D hợp lệ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp. 

Theo Vũ Phương/Giaoduc

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang