Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn

author 09:50 09/12/2023

(VietQ.vn) - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn cần tuân thủ nghiêm quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Không ngừng tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 21/2014/TT-BKHCN về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành thì hàng đóng gói sẵn là hàng hóa được định lượng theo đơn vị đo khối lượng, thể tích, diện tích, chiều dài hoặc số đếm, được đóng gói và ghi định lượng trên nhãn hàng hóa mà không có sự chứng kiến của bên mua. Việc đảm bảo quy định về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng đối với nhóm hàng hóa này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đo lường. 

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quản lý đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn, thời gian qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác quản lý đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất hàng đóng gói sẵn và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ khác nhau. Ngoài việc bảo đảm các điều kiện về lưu thông hàng hóa như công bố tiêu chuẩn áp dụng, hợp chuẩn, hợp quy, ghi nhãn hàng hóa, việc định lượng hàng hóa là điều kiện bắt buộc khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa.

Từ năm 2022 đến nay, Chi cục đã kiểm tra 15 đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn, thuộc các lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất sữa bột; siêu thị và bách hóa tổng hợp; kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Các lỗi phát hiện chủ yếu liên quan đến cách thức ghi lượng, chiều cao tối thiểu của số và chữ chưa đúng quy cách trên sản phẩm, chênh lệch nhỏ giữa trọng lượng thực tế với trọng lượng ghi trên bao bì... 

Những hàng hóa này được lưu thông trên thị trường là vi phạm các quy định về đo lường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp áp dụng đúng, đủ. Do đó, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh yêu cầu các đơn vị vi phạm khắc phục sai sót.

 Việc đảm bảo đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. (Ảnh: Hồng Yến)

Nói về nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, bà Lê Thị Lan Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cho biết: "Nguyên nhân của các vi phạm trên là do một số cơ sở chưa kiểm soát tốt quy trình đóng gói sản phẩm hoặc sử dụng phương tiện đo phạm vi lớn để định lượng hàng hóa khối lượng nhỏ; chưa chủ động, thường xuyên tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng".

Do đó để thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 996) trên địa bàn tỉnh và Chương trình đảm bảo đo lường, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tham mưu Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1268 triển khai nhiệm vụ "Khảo sát tập huấn đào tạo, tư vấn xây dựng mô hình thí điểm hệ thống đảm bảo đo lường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế".

Theo đó, năm 2023, Chi cục đã thành lập tổ thực hiện; tiến hành điều tra, khảo sát, thống kê, lựa chọn các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn xây dựng và triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho gần 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình đảm bảo đo lường 6 doanh nghiệp; hỗ trợ một số doanh nghiệp khảo sát, tư vấn, xây dựng kế hoạch bảo đảm hoạt động về đo lường.

Đánh giá thêm về hoạt động đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ  Nguyễn Công Võ cho biết: "Hoạt động đo lường có vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của doanh nghiệp; không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ được cung cấp, mà còn giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng tài nguyên của doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn nhiều, trong khi việc kiểm tra theo định kỳ của cơ quan chức năng còn ít. Vì thế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xác định, công tác tuyên truyền phải được thực hiện tốt để có thể ngăn ngừa vi phạm xảy ra".

Để thực hiện hiệu quả Đề án 996, Sở Khoa học và Công nghệ  là đầu mối, tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh; đào tạo nghiệp vụ đội ngũ cán bộ lĩnh vực đo lường; đầu tư phương tiện kỹ thuật kiểm tra chủng loại sản phẩm trong danh mục hàng đóng gói sẵn phải quản lý về đo lường.

Phối hợp với cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Cục Quản lý thị trường tỉnh trong công tác thanh, kiểm tra nhằm hạn chế tối đa vi phạm về đo lường chất lượng hàng đóng gói sẵn; tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức và tham gia phòng chống hàng giả, hàng không đảm bảo về chất lượng; thực hiện quy chế ghi nhãn mác hàng hóa; quản lý và kiểm soát việc in ấn, nhập khẩu bao bì nhãn mác.

Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đóng gói sẵn cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật; đề xuất, kiến nghị những bất cập về tiêu chuẩn đo lường để được hướng dẫn, giải đáp kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Quy định về đo lường đối với lượng hàng đóng gói sẵn

Theo Thông tư 21/2014/TT-BKHCN, yêu cầu về ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa phải được ghi trên nhãn hàng hóa là lượng danh định; Lượng danh định của hàng đóng gói sẵn phải được ghi bằng cách in, gắn hoặc dán trực tiếp trên hàng đóng gói sẵn hoặc trên bao bì hoặc nhãn của hàng đóng gói sẵn; Vị trí ghi lượng danh định phải dễ thấy, dễ đọc trong điều kiện trưng bày thông thường của hoạt động buôn bán; Trường hợp phía trước của lượng danh định ghi “khối lượng tịnh:” hoặc “thể tích thực:” thì không được phép ghi “khoảng” hoặc “nhỏ nhất” như: khối lượng tịnh khoảng hoặc thể tích thực nhỏ nhất; Lượng danh định được ghi bằng trị số và đơn vị đo pháp định hoặc theo số đếm; giữa trị số và đơn vị đo phải cách nhau một ô trống.

Đối với hàng đóng gói sẵn là chất rắn, khí hóa lỏng, hàng đông lạnh, hàng đóng gói sẵn dạng bình phun, xịt hoặc có hàng hóa chứa cùng khí nén phải ghi theo đơn vị đo khối lượng; Đối với hàng hóa là chất lỏng phải ghi theo đơn vị đo thể tích; Đối với hàng hóa ở dạng sệt hoặc hàng hóa khác phải ghi theo đơn vị đo khối lượng hoặc thể tích; Ghi đơn vị đo theo từng phạm vi của lượng danh định được thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Ngoài ra, quy định chiều cao tối thiểu của chữ và số thể hiện lượng danh định phải đáp ứng yêu cầu theo Thông tư này; Khi một đơn vị hàng đóng gói sẵn chứa hai hay nhiều bao, gói hàng đóng gói sẵn cùng loại với cùng lượng danh định có thể dùng để bán lẻ, phải ghi tổng lượng danh định của đơn vị hàng đóng gói sẵn, số lượng bao, gói và lượng danh định của một bao, gói hàng đóng gói sẵn. Đối với hàng đóng gói sẵn chứa trong dung môi, phải ghi lượng ráo nước và ghi khối lượng tổng trên nhãn hàng hóa.

Yêu cầu về bao hàng đóng gói sẵn không được có hình dáng, kích thước và các cấu trúc khác (như đáy phụ, vách ngăn, nắp phụ, tấm phủ phụ) gây nhầm lẫn hoặc lừa dối người mua về lượng của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao hàng; Hàng đóng gói sẵn phải điền đầy thể tích của bao bì trừ trường hợp phải có sự khác biệt giữa thể tích của bao bì với thể tích của hàng đóng gói sẵn chứa trong bao bì đó.

Trường hợp lượng của hàng đóng gói sẵn được ghi tại nhiều vị trí trên bao hàng thì tại từng vị trí việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn phải đáp ứng yêu cầu tại Thông tư này; Thông tin về lượng hàng đóng gói sẵn bổ sung thêm hoặc miễn phí phải được ghi rõ cùng với lượng danh định trên nhãn, trừ trường hợp cơ sở sản xuất công bố rõ lượng bổ sung thêm hoặc miễn phí nêu trên đã bao gồm trong lượng danh định của hàng đóng gói sẵn.

Quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, trường hợp cỡ mẫu (n) bằng với cỡ lô (N) (n=N), giá trị trung bình (Xtb) của lượng thực (Qr) của các đơn vị hàng đóng gói sẵn trong lô phải thỏa mãn yêu cầu theo quy định của Thông tư này. Trường hợp cỡ mẫu (n) nhỏ hơn cỡ lô (N) (n < N), giá trị trung bình (Xtb) phải thỏa mãn yêu cầu của Thông tư quy định.

Yêu cầu về số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp trong trường hợp cỡ mẫu (n) bằng với cỡ lô (N) (n=N), phải thỏa mãn các yêu cầu sau: Số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp không được vượt quá 2,5 % cỡ lô; Không được có bất kỳ đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp nào có lượng thiếu lớn hơn hai (02) lần lượng thiếu cho phép T quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp cỡ mẫu (n) nhỏ hơn cỡ lô (N) (n < N), phải thỏa mãn các yêu cầu: Số đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp không được vượt quá giá trị cho phép quy định của Thông tư này; Không được có bất kỳ đơn vị hàng đóng gói sẵn không phù hợp nào có lượng thiếu lớn hơn hai lần lượng thiếu cho phép của Thông tư này.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang