Vĩnh Phúc: Thu giữ gần 12000 sản phẩm may mặc giả mạo nhãn hiệu

author 14:46 09/06/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc vừa tạm giữ gần 12.000 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm giả mạo nhãn hiệu.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc, mới đây, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh trên địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 5 (cơ động), Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Thị Thu Hằng, Địa chỉ: Xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, đang hoạt động kinh doanh và bán hàng online qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Quá trình kiểm tra phát hiện, tạm giữ 11.521 sản phẩm quần áo, mũ bảo hiểm có dấu hiệu giả mạo. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa gồm 6.915 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu CHANEL; 4.450 chiếc quần đùi nam nhãn hiệu ADIDAS; 156 chiếc mũ bảo hiểm nhãn hiệu HONDA.

Đoàn kiểm tra đã đề nghị Đội trưởng Đội QLTT số 5 ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định.

 Lượng lớn quần áo thời trang giả mạo nhãn hiệu bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Phúc

Liên quan tới tình hình kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng may mặc, theo Cục Hải quan Quảng Ninh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn, tổ công tác Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã phát hiện ô tô tải BKS 15C-306.96 đang bốc hàng hóa lên xe nghi là hàng nhập lậu tại sân chợ trung tâm, phường Trần Phú, thành phố Móng Cái. Qua kiểm tra lô hàng gồm 1.100 chiếc áo phông nữ, ngắn tay, loại mỏng không nhãn hiệu. Tất cả hàng hóa đều mới 100% do Trung Quốc sản xuất, không có giấy tờ hợp pháp. Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt đối với người vi phạm.

Thông tin về tình trạng gia tăng hành vi vi phạm về nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ, đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trên thực tế, công tác chống vi phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ rất gian nan do hành vi ngày càng tinh vi và biến hóa “muôn hình vạn trạng”, cơ quan chức năng vừa khó quản lý, vừa khó xử lý vì nhiều rào cản, bất cập.

Qua quá trình thực thi trên thực tế, lực lượng QLTT đã ghi nhận một số trường hợp rất “khó xử” như nhiều loại hàng hóa tiêu dùng chỉ cần nhìn mắt thường là biết hàng giả nhưng thiếu tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, để kết luận là hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ bắt buộc phải qua quá trình giám định. Đối với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài thì chỉ giám định được khi đã được đăng ký chất lượng tại Việt Nam.

Ngoài ra còn có trường hợp hàng hóa về hình thức, mẫu mã tuy có giống với các thương hiệu nổi tiếng nhưng lại không gắn nhãn mác. Các chủ hàng cố tình không gắn tem, mác chờ khi có đơn hàng, theo yêu cầu của khách mới gắn mác các thương hiệu.

Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cao cấp, đối tượng vi phạm sử dụng chiêu trò đặt hàng và nhãn mác riêng lẻ rồi chuyển đến các kho chứa tại địa điểm hẻo lánh, ít người chú ý, sau đó thuê nhân công gắn nhãn mác khi có đơn hàng. Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trong nước, các đối tượng mở xưởng sản xuất sản phẩm có bao bì, nhãn mác gần giống, chữ viết và hình ảnh na ná với thương hiệu khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái, giả mạo nhãn mác nhưng không lên tiếng. Thậm chí khi lực lượng chức năng phát hiện ra các vụ việc vi phạm cần sự hợp tác để xử lý, doanh nghiệp cũng không nhiệt tình, mặn mà. Đây là rào cản rất lớn trong hoạt động quản lý, kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng. Do đó, kế hoạch trọng tâm của lực lượng QLTT cả nước sẽ nhằm vào việc trấn áp hàng hóa giả mạo thông qua chiến dịch tại các trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng và khu sản xuất.

Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả thị trường hàng hóa, trấn áp được các hàng hóa vi phạm thì bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chuyên trách còn cần sự chợp tác chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan như công an, hải quan, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Thêm vào đó, nước ta cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục về công tác giám định, công tác điều tra, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng chồng chéo và kéo dài xử lý các vụ việc vi phạm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang