Vụ bé gái bị đánh đập ở Bình Dương: Có thể khởi tố về tội “giết người”

author 09:34 16/09/2014

“Cả Minh và Trang đều cố gắng che giấu việc đánh đập dã man cháu bé trong nhiều giờ đồng thời, ngăn cản hàng xóm đưa cháu đi cấp cứu cho thấy ý thức bỏ mặc hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho cháu Ngân”.

Những ngày qua, dư luận cả nước lại một lần nữa bất bình và phẫn nộ trước vụ việc cháu bé 4 tuổi ở Bình Dương bị cha mẹ bạo hành một cách dã man, vô nhân tính. Xung quanh câu chuyện về vấn nạn bạo hành trẻ em ngày càng có dấu hiệu gia tăng, PV báo Infonet đã có buổi trao đổi với luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Đối với “tội giết người” được quy định ở Điều 93 Bộ luật hình sự, thì khung hình phạt ở mức thấp nhất  là 7 năm tù giam - Luật sư Nguyễn Phú Thắng cho biết

Xin ông cho biết, pháp luật Việt Nam quy định thế nào về các hành vi ngược đãi con cái (bao gồm bạo hành về mặt tinh thần và bạo hành về mặt thể xác như đánh đập, chửi mắng...)?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Hành vi ngược đãi, hành hạ được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường... làm cho người bị hại đau đớn về thể xác hay tinh thần.

Chỉ cần thực hiện một trong những hành vi này đã là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự, cũng có thể xử lý hành chính tùy theo tính chất, mức độ của hành vi. Chúng ta có đầy đủ hành lang pháp lý từ nghiêm cấm đến chế tài xử phạt đối với loại hành vi này, cụ thể: Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình và nhiều quy phạm pháp luật khác nữa.

Trường hợp cháu bé 4 tuổi ở Bình Dương bị hai “vợ chồng hờ” Đỗ Trọng Minh (27 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi) đánh đập dã man như báo chí phản ảnh những ngày qua chắc chắn là phải xử lý hình sự.

Trường hợp cha mẹ đánh con (tát hoặc dùng roi vọt) có phạm luật không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Rất khó để có thể khẳng định rằng việc cha mẹ đánh con bằng roi hay tát con là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Tôi ví dụ một ông bố là võ sĩ cao lớn mà tát một đứa trẻ con của mình mới 2, 3 tuổi thì khác với việc một bà mẹ tát một đứa con trai học cấp 3 vì có hành vi hỗn láo. 

Tương tự như vậy, nếu dùng đòn gánh đánh con thì khác với việc dùng roi tre nhỏ không có khả năng gây sát thương hoặc tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên dù thế nào đi chăng nữa cũng đều vi phạm vì sử dụng vũ lực hoặc bị pháp luật trừng trị hoặc bị xã hội lên án. Việc này nếu lặp đi lặp lại sẽ thể hiện sự bế tắc trong việc dạy dỗ con cái của các bậc làm cha mẹ.

Cháu Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi) đang được cấp cứu và điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương.

Những hành vi ngược đãi này sẽ bị pháp luật Việt Nam xử lý như thế nào, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Vụ việc cháu bé 4 tuổi ở Bình Dương bị mẹ đẻ và chồng hờ của mẹ bạo hành trên đây thì không thể coi là tội ngược đãi được mà phải là hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, thậm chí có thể bị xem xét khởi tố về tội “giết người” nếu cơ quan tố tụng chứng minh được đầy đủ dấu hiệu phạm tội. 

Báo chí phản ánh cho thấy, cả Minh và Trang đều cố gắng che dấu việc đánh đập dã man cháu bé trong nhiều giờ đồng thời ngăn cản hàng xóm đưa cháu đi cấp cứu đã cho thấy ý thức bỏ mặc hậu quả xấu nhất có thể xảy ra cho cháu Ngân.

Tuy nhiên đây chỉ là một khả năng để ngỏ. Việc khởi tố, điều tra về tội danh nào còn phụ thuộc rất nhiều vào lời khai của người phạm tội, của người làm chứng, kết quả giám định tỷ lệ thương tật trên cơ thể, xem xét vật chứng cũng như cơ chế hình thành các vết thương lâm sàng và cả cận lâm sàng của cháu Ngân.

Nếu vi phạm thì khung hình phạt đối với hành vi này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Hiện nay, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương chưa khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng chắc chắn Quyết định khởi tố sẽ nhanh chóng được ban hành trong một vài ngày tới đây. 

Đối với “tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại hại sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự thì người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt thấp nhất là sáu tháng đến ba năm tù giam và mức cao nhất là chung thân. 

Như vậy, chúng ta thấy pháp luật hình sự coi tội danh này là tội đặc biệt nghiêm trọng. Còn đối với “tội giết người” được quy định ở Điều 93 Bộ luật hình sự, thì khung hình phạt ở mức thấp nhất cũng là 7 năm tù giam.

Theo luật sư, để những hành vi tương tự không tiếp tục xảy ra, chúng ta cần phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Phú Thắng: Để hạn chế thấp nhất và dẫn đến triệt nạn bạo hành trẻ nhỏ này thì trước tiên phải xác định được nguyên nhân.

Thứ nhất, theo Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐTB&XH, hàng năm có khoảng 3.000 đến 4.000 vụ bạo hành trẻ em và không ít trong số này là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đó chỉ là những vụ bị phát hiện hoặc trình báo. Và trong số này thì có bao nhiêu vụ xử lý hình sự, tôi cho rằng tỷ lệ không nhiều. Đó chính là một nguyên nhân.

Thứ hai, tâm lý của những người hàng xóm và tổ dân phố cho rằng “việc dạy dỗ con là việc của nhà người ta” vô hình chung đã cô lập hoàn toàn nạn nhân với xã hội bên ngoài. Những trẻ nhỏ không có khả năng tự vệ đã bị những ông bố, bà mẹ cục cằn dạy theo cách phi đạo đức, trái pháp luật và phản khoa học.

Thứ ba, lực lượng làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở phường, xã không được đào tạo bài bản, chưa được hưởng các chế độ chính sách tương xứng với công việc được giao, cho nên chúng ta có thể thấy vai trò của họ khá mờ nhạt đặc biệt trong công tác tuyên truyền hay can thiệp cần thiết vào các gia đình hay xảy ra bạo lực với trẻ.

Trẻ em bị đối xử tệ bạc, bị hành hung đến nguy cơ mất mạng sống hoặc để lại hậu quả lâu dài, nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề dẫn đến ảnh hướng xấu về sức khỏe tinh thần, khả năng học tập, khả năng giao tiếp và sự phát triển bình thường của trẻ. Đã đến lúc cả xã hội phải góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình.

Theo tôi, các cơ quan chức năng phải đồng thời tiến hành nhiều biện pháp khác nhau. Nhất là việc xác minh, phát hiện và ngăn chặn những trường hợp có dấu hiệu bạo hành trẻ. Nếu hành vi thỏa mãn tội phạm thì phải kiên quyết xử lý hình sự ở mức độ tương xứng để răn đe, phòng ngừa chung.

Việc đấu tranh, phòng nừa, kịp thời ngăn chặn và xử lý loại tội phạm này là trách nhiệm không chỉ với cơ quan tố tụng mà còn là của toàn xã hội, trong đó cơ quan truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Với tư cách là một chủ thể tham gia công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, chúng ta cần phải nhận thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ toàn diện các quyền của trẻ em, cũng chính là bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

Xin cảm ơn Luật sư!

Theo Infonet


 

 



Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang