Vụ chứng nhận, kiểm định phân bón: Cục Trồng trọt đã sai phạm thế nào?

authorThanh Uyên 09:57 20/05/2016

(VietQ.vn) - Không đủ năng lực vẫn được cấp chứng nhận chất lượng. Cục Trồng trọt đã tiếp tay cho hàng nghìn sản phẩm phân bón không đúng quy định ra thị trường.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

  Vụ chứng nhận, kiểm định phân bón: Cục Trồng trọt đã sai phạm thế nào?

 Cơ quan chức năng kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh phân bón

Đụng đâu sai đó

Kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT về sai phạm của 11 tổ chức chứng nhận, thử nghiệm phân bón đã gây "chấn động" cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Câu hỏi đặt ra, lý do vì đâu mà 11 đơn vị được Cục Trồng trọt, một đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chỉ định thử nghiệm, cấp chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón thì cả 11 đơn vị đều sai phạm.

Trở lại kết luận thanh tra của Bộ NN&PTNT ngày 28/4, cơ quan này công bố hàng loạt những sai phạm ở 11 tổ chức được Cục Trồng trọt thuộc Bộ này chỉ định. Điển hình nhất trong các đơn vị này là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (gọi tắt Trung tâm vùng Nam Bộ). Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Trung tâm này là tổ chức được chứng nhận khi chưa đủ năng lực theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đáng nói, Trung tâm này khi được Cục Trồng trọt ra quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón đã "không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động. Phòng thử nghiệm phân bón của Trung tâm cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm".

Dù không đủ năng lực nhưng Trung tâm trên đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục quy định của Bộ NN&PTNT, vi phạm qui định Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Nghiêm trọng hơn nữa, Trung tâm vùng Nam Bộ còn chứng nhận cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ trong khi Trung tâm này không hề được chỉ định chức năng trên. Đây là hành vi "chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định" mà Nghị định 80/2013/NĐ-CP đã nghiêm cấm.

Tất cả điều này dẫn đến hàng ngàn sản phẩm phân bón của 276 doanh nghiệp đã không được kiểm soát về chất lượng, chứng nhận sai, nhiều sản phẩm nằm ngoài danh mục cho phép... nhưng đã được đóng dấu "hợp quy", bán tràn lan trên thị trường.

Công ty Cổ phần Giám định cà phê và hàng hoá xuất nhập khẩu (Cafecontrol) khi được thanh tra không có tài liệu chứng minh có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón, không có giấy đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận.

Trầm trọng hơn, Công ty Cổ phần Giám định và Khử trùng FCC đã được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận khi chưa có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phân bón đi cấp chứng nhận chất lượng phân bón. Công ty này chưa có phòng thử nghiệm theo quy định nhưng trong hồ sơ lưu tại Cục Trồng trọt lại có giấy xác nhận chứng nhận năng lực cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Một chi tiết đáng lưu ý khác, trước "sức ép" của lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng kết quả thanh tra sai phạm không thể chối cãi, thay vì phải có kết luận của cơ quan thanh tra chính thức thông báo đến các tổ chức được thanh tra theo đúng quy trình, ngày 20/4/2016, Cục trồng trọt đã ra quyết định đình chỉ hoạt động chứng nhận, kiểm nghiệm của các tổ chức trong sự "ngơ ngác" của các đơn vị được thanh tra. Động thái này được xem là không tuân thủ đúng theo Thông tư 55/2012 của Bộ NN&PTNT.

Bát nháo do đâu?

Sai phạm chồng sai phạm, Cục Trồng trọt đã không nghiêm túc thực hiện chức năng chỉ định của mình theo luật dẫn đến hàng loạt các sai phạm của các tổ chức chứng nhận, thử nghiệm phân bón là quá rõ ràng và trầm trọng, thế nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao những sai phạm ấy lại diễn ra ở nhiều tổ chức và không được cơ quan chỉ định giám sát, xử lý mà phải đợi đến khi thanh tra vào cuộc, mọi vi phạm mới được lôi ra ánh sáng?

Trả lời PV Chất lượng Việt Nam, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNN, ông Nguyễn Văn Việt cho rằng, các sai phạm của Cục Trồng trọt đến đâu sẽ xử lý đến đó và đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, trong 11 tổ chức sai phạm, thì có đến 3 đơn vị chưa đăng ký hoạt động chứng nhận mà vẫn được Cục Trồng trọt chỉ định chứng nhận, thử nghiệm chất lượng phân bón. Phải chăng, lỗ hổng về năng lực quản lý cũng như trình độ chuyên môn của cán bộ Cục Trồng trọt là có vấn đề hay còn những lý do nào khác khiến cho hoạt động chứng nhận, kiểm định chất lượng phân bón bị buông lỏng dẫn đến tình trạng bát nháo như hiện nay.

Theo ý kiến của một lãnh đạo thuộc Bộ KH&CN, thực tế hiện nay trong lĩnh vực chứng nhận, kiểm định chất lượng phân bón, các bộ ngành thực hiện các quy định chung chưa thống nhất, mỗi bộ ngành hiểu và thực hiện theo trình tự khác nhau dẫn đến tình trạng lộn xộn trong hoạt động chỉ định chứng nhận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hoạt động này.

Đề cập về những hệ lụy bởi những sai phạm trên gây ra, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, sự bát nháo của chất lượng phân bón thời gian vừa qua đã gây thiệt hại không hề nhỏ cho nông dân. Ông Môn cho rằng, từ kết quả thanh tra của Bộ NN&PTNT mới đây cho thấy có lỗ hổng lớn trong lĩnh vực này, đó chính là công tác quản lý.

"Tôi cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do công tác quản lý còn buông lỏng. Nếu cơ quan chức năng quản lý tốt thì nông dân không có cơ hội sử dụng những sản phẩm kém chất lượng, từ đó thiệt hại từ phân bón rởm, phân bón kém chất lượng sẽ không còn. Theo tôi cần thiết phải cơ cấu lại hoạt động này càng sớm càng tốt", ông Môn nêu quan điểm.

Qua sự việc này cho thấy, hàng ngàn sản phẩm phân bón của hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh phân bón được cấp chứng nhận không đúng, lưu hành sản phẩm không được kiểm soát chất lượng ra thị trường. Hậu quả là những sản phẩm phân bón “hợp quy” rởm này đã khiến nông dân lãnh đủ và người nông dân chân lấm tay bùn vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm. Sự trái ngang này đã được sự tiếp tay bởi sự vô trách nhiệm của một số đơn vị mà cụ thể là Cục Trồng trọt cùng các cơ sở của họ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm quản lý phân bón

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có yêu cầu lãnh đạo Bộ NN&PNNT chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm những vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc chỉ định tổ chức hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón, thực hiện chứng nhận chất lượng sản phẩm phân bón.

Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh ngay công tác quản lý nhà nước về phân bón, đặc biệt là rà soát, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bộ máy và cán bộ quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân chứng nhận chất lượng phân bón sản xuất, kinh doanh.

Nếu các tổ chức, cá nhân nào có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 7 năm 2016.

 

Kiến nghị Thủ tướng xử lý mạnh tay phân bón giả (VietQ.vn) - Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị mạnh tay xử lý nạn phân bón giả.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang