Vụ thực phẩm bổ sung Danlait: Nghi vấn trốn thuế

author 07:00 02/07/2013

(VietQ.vn) - Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương khẳng định, hồ sơ liên quan đến vấn đề thực phẩm bổ sung Danlait - Công ty Mạnh Cầm đã được chuyển tới Công an Hà Nội, điều tra, làm rõ các vấn đề có liên quan.

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam tại họp báo thường kỳ tháng 6/2013 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 1/7/2013, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương xác nhận, cơ quan Quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ và phối hợp với cơ quan Công an Hà Nội xử lý các vấn đề "lình xình" liên quan đến "sữa dê Danlait".

Cơ quan Công an sẽ vào cuộc điều tra những vấn đề gian lận liên quan đến "sữa dê Danlait". Ảnh minh họa
Cơ quan Công an sẽ vào cuộc điều tra những vấn đề gian lận liên quan đến "sữa dê Danlait". Ảnh minh họa

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng, việc ghi nhãn "sữa dê Danlait" có nhiều vấn đề chưa minh bạch. Việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài về Việt Nam cũng có nhiều điều chưa rõ ràng, cần minh bạch về thuế. Giá, thuế đối với sữa và thực phẩm bổ sung nhập khẩu có những thang bậc khác nhau. Hồ sơ vụ việc liên quan đến "sữa dê Danlait" đã được chuyển tới cơ quan Công an để làm rõ. Cơ quan Công an Hà Nội sẽ có ý kiến cụ thể về vấn đề này trong thời gian tới.

Liên quan đến việc lập lờ ghi nhãn "sữa dê Danlait" của Công ty Mạnh Cầm, để có thông tin đầy đủ và chính xác về việc ghi nhãn sản phẩm do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu, cơ quan Quản lý thị trường đã trưng cầu ý kiến cơ quan chức năng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ và được biết, việc ghi nhãn sản phẩm phải tuân thủ đúng tên gốc của sản phẩm, thông tin cảnh báo sản phẩm cũng ghi không chuẩn.

"Ghi nhãn sản phẩm phải tuân thủ đúng Nghị định 89/2006/NĐ - CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa. Trong Nghị định thể hiện Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên. Chính vì thế, Quản lý thị trường đã tham vấn ý kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để có thông tin đầy đủ, chính xác", ông Lam nói.

Trên thực tế, Điều 3 của 89/2006/NĐ - CP ngày 30/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Ghi nhãn hàng hóa có đề cập: "Nhãn hàng hoá" là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá. "Ghi nhãn hàng hoá" là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.

Đối với "Nhãn gốc của hàng hoá", Nghị định có quy định: nhãn thể hiện lần đầu được gắn trên hàng hoá. "Thành phần" của hàng hoá là các nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá và tồn tại trong thành phẩm kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi. "Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hoá" là thông tin liên quan đến cách sử dụng, các điều kiện cần thiết để sử dụng, bảo quản hàng hoá; cảnh báo nguy hại; cách xử lý khi xảy ra sự cố nguy hại...

Công ty Mạnh Cầm đã bị xử phạt vì sai phạm trong ghi nhãn sản phẩm. Ảnh: N. M
Công ty Mạnh Cầm đã bị xử phạt vì sai phạm trong ghi nhãn sản phẩm. Ảnh: N. M

Còn tại Điều 10 của Nghị định nói trên ghi rõ ràng, nội dung ghi nhãn hàng hoá kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá: 1. Hàng hoá được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn. 2. Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn. Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này. 3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này trước khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Trước đó, liên quan đến vụ "sữa dê Danlait", Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trả lại 5.600 hộp sữa dê Danlait bị thu giữ trước đó, sau khi quyết định xử phạt Công ty Mạnh Cầm 15 triệu đồng vì vi phạm nhãn mác.

Cụ thể, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Mạnh Cầm xác định hành vi sai phạm là "lưu thông sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ mà không thể hiện cụm từ bắt buộc theo quy định".

Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm ông Lê Văn Giang cho biết, Công ty Mạnh Cầm đã vi phạm trong việc ghi nhãn phụ sản phẩm, chỉ ghi là “sữa dê Danlait” mà thiếu từ “thực phẩm bổ sung” và sẽ bị xử phạt hành chính.

Trả lời báo chí trước đó, ông Vương Trí Dũng – Chi cục Phó chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, về vụ "sữa dê Danlait" các cơ quan quản lý không liên thông, thống nhất tên gọi sản phẩm nên doanh nghiệp đã dễ dàng “lách luật”, mỗi chỗ khai một kiểu mà cũng chẳng bị phát hiện.

Cụ thể như Tổng cục Hải quan – cơ quan cấp phép nhập khẩu đang mặc định đó là sữa. Trong khi đó, Bộ Công Thương – Cơ quan cấp phép nhập khẩu- lại tự động xác định đó là sữa đóng hộp, sữa dê công thức 1. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lại xếp sữa dê Danlait  vào loại sữa bổ sung. Chính vì thế, ông Dũng khẳng định rằng việc gọi tên không đúng khiến việc quản lý thứ hàng hóa này trở nên phức tạp.

Sự quản lý chồng chéo, nhưng không liên thông đã là “lỗ hổng” để doanh nghiệp “lách luật” bấy lâu nay. Công ty Mạnh Cầm vi phạm ngay từ trên nhãn sản phẩm, ghi thiếu chỉ dẫn “sữa mẹ là sữa tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”, không có chỉ dẫn của bác sĩ, cũng như không nêu rõ đây là thực phẩm chức năng chứ không phải là sữa công thức. Ngoài ra, họ cũng “lờ” đi không ghi tên người đại diện pháp lý chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

Theo các chuyên gia, với những lỗi bên ngoài nhãn, công ty Mạnh Cầm có thể phải nộp 175 triệu tiền thuế (15%) nếu sữa dê này là sản phẩm chức năng. Còn nếu xác định là sữa thì doanh nghiệp chưa kê khai và niêm yết giá.

Nhằm làm rõ vụ việc này, PV Chất lượng Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với Công ty Mạnh Cầm để làm rõ thông tin song đều không được. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vụ việc này từ phía Công an Hà Nội.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang