Website quaythuocgiadinh.com 'hô biến' thực phẩm chức năng thành thuốc, có dấu hiệu lừa dối người dùng

author 06:30 23/11/2021

(VietQ.vn) - Hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng trên website quaythuocgiadinh.com được quảng cáo có công dụng giống với thuốc chữa bệnh, dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm.

Nhiều năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối TPCN có dấu hiệu làm ăn chụp giật, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang.

Đặc biệt, bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… càng tăng cao. Đây là một trong những cơ hội để TPCN dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội… nhằm trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa TPCN và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua TPCN sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm, nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng TPCN với kỳ vọng rằng các loại TPCN này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Website quaythuocgiadinh.com niêm yết nhiều sản phẩm TPCN, mỹ phẩm.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của bạn đọc về việc một website ghi thông tin thuộc Công ty Công ty TNHH MeVitalCare Pharma niêm yết, quảng cáo hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm với những nội dung sai sự thật, không đúng với công dụng, chất lượng do cơ quan y tế cấp phép, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Công ty TNHH MeVitalCare Pharma có địa chỉ tại số 423 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội và nơi phân phối sản phẩm còn có ở số 1277 Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội. Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MeVitalCare Pharma là ông Lê Đức Anh.

Dù chỉ là TPCN nhưng sản phẩm HERMONIC Plus được webiste quảng cáo có khả năng "điều trị" trĩ nhanh.

Theo phản ánh, hiện nay trên website quaythuocgiadinh.com, sản phẩm HERMONIC Plus được quảng cáo “điều trị trĩ nhanh, mạnh và toàn diện”;“sự kết hợp hoàn hảo giữa bổ trung ích khí thang và công nghệ hiện đại giúp điều trị tận gốc bệnh trĩ ”. Sản phẩm này còn được quảng cáo đã được Cục Quản lý Dược cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế sản phẩm này chỉ là thực phẩm chức năng và nếu có được cấp phép thì đơn vị cấp phép phải là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).

Một sản phẩm khác là Ubat Tulang cũng được quảng cáo có hàng loạt công dụng như: “Làm chậm quá trình thoái hóa, tăng tiết dịch giúp các khớp hoạt động dễ dàng hơn; Giúp giảm đau lưng, đau thần kinh tọa; Gúp bổ can thận, mạnh gân cốt, hỗ trợ làm giảm đau khớp tay, chân giúp khớp cử động dễ dàng; Giảm đau, hạn chế các cơn đau do viêm khớp; Tăng tuần hoàn máu, Giúp máu lưu thông đến các vùng khớp xương nhiều hơn.Tăng quá trình tái tạo vùng khớp xương bị tổn thương; Giúp hạ axit uric hỗ trợ điều trị các bệnh nhân bị Gout”. Sản phẩm này còn được quảng cáo có khả năng “đặc trị xương khớp”; “hoàn tiền 100% nếu uống thuốc mà bệnh không thuyên giảm”.

Sản phẩm Ubat Tulang cũng được quảng cáo với công dụng "đặc trị xương khớp".

Đây chỉ là hai trong số nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng được niêm yết trên trang quaythuocgiadinh.com quảng cáo với những nội dung sai lệch so với công dụng thực sự của sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.

Những quảng cáo kể trên dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng các sản phẩm kể trên là thuốc có khả năng điều trị bệnh. Trong khi đó, trên thực tế, theo cấp phép của Bộ Y tế, các sản phẩm này chỉ là dòng sản phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh không có tác dụng trong việc điều trị và thay thế thuốc chữa bệnh.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Còn theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm từng nói, việc lừa dối quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.

Dưới chân website quaythuocgiadinh.com ghi thông tin của Công ty TNHH MeVitalCare Pharma.

Từ những phân tích trên, có thể thấy, việc quảng cáo nhiều sản phẩm TPCN trên website quaythuocgiadinh.com đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.

Đối với những thông tin phản ánh về việc quảng cáo sản phẩm trên website quaythuocgiadinh sai sự thật, không giống với nội dung công dụng đã được cấp phép bởi cơ quan y tế, dư luận không khỏi thắc mắc liệu website này có phải do Công ty TNHH MeVitalCare Pharma vận hành? Webiste này đã được đăng ký với Bộ Công Thương hay chưa? Nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, Công ty TNHH MeVitalCare Pharma có chịu trách nhiệm?

Về vấn đề này, đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vào cuộc xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc !

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang