WHO phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh

author 05:51 21/04/2024

(VietQ.vn) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa thông báo đã phát hiện vi rút cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ vi rút này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Trong một phát biểu trước báo giới, bà Trương Văn Thanh (Zhang Wenqing) - người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO nhắc lại trường hợp một người ở bang Texas (Mỹ) đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa. Đây là ca cúm A/H5N1 thứ 2 được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm vi rút.

Theo bà Trương, mối quan ngại hiện hữu là vi rút dường như đang đi tìm những vật chủ mới và tình trạng vi rút lan sang nhóm động vật có vú đồng nghĩa rằng chúng đang tiến gần hơn đến con người.

Trường hợp bệnh nhân ở Texas là trường hợp đầu tiên con người bị lây cúm gia cầm từ một con bò. Việc lây truyền từ gia cầm sang bò, từ bò sang bò và từ bò sang gia cầm cũng đã được ghi nhận trong những đợt bùng phát hiện nay, điều này cho thấy vi rút có thể đã tìm thấy những con đường lây truyền khác với chúng ta biết trước đây.

"Hiện tại chúng tôi đang ghi nhận nhiều đàn bò bị ảnh hưởng ở ngày càng nhiều bang của Mỹ, cho thấy một bước tiến xa hơn về sự lây lan của vi rút sang động vật có vú. Vi rút này cũng đã được phát hiện trong sữa của động vật bị mắc bệnh", bà Trương nói.

 Phát hiện vi rút cúm gia cầm trong sữa tươi. Ảnh minh họa

Theo bà Trương Văn Thanh, các chuyên gia đã phát hiện "nồng độ vi rút rất cao trong sữa nguyên liệu" và đang điều tra chính xác thời gian vi rút có thể tồn tại trong sữa.

Mặc dù vậy, cơ quan y tế bang Texas khẳng định tình hình cúm A/H5N1 ở gia súc hiện không gây rủi ro cho nguồn cung cấp sữa thương mại, do các nhà sản xuất sữa được yêu cầu tiêu hủy sữa từ những con bò bị bệnh. Ngoài ra, quá trình thanh trùng cũng giúp tiêu diệt vi rút.

Bà Trương khuyến cáo: "Điều quan trọng là mọi người phải đảm bảo thực hành an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc chỉ tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa đã tiệt trùng".

Thực tế, H5N1 là một loại virus cúm gia cầm (HPAI) gây bệnh cao. Nó khiến hầu hết các loài chim mắc bệnh bị chết. Và nó có thể gây tử vong cho con người và các động vật có vú khác nhiễm virus từ chim. Kể từ trường hợp con người đầu tiên vào năm 1997, H5N1 đã khiến gần 60% số người bị nhiễm bệnh tử vong.

Nhưng không giống như virus cúm ở người, cúm gà H5N1 không dễ lây từ người sang người. Rất ít trường hợp lây truyền từ người sang người xảy ra, một số trường hợp lây bệnh đã xảy ra là do có tiếp xúc đặc biệt gần gũi, chẳng hạn như người mẹ bị nhiễm virus trong khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh.

Nhiễm trùng ở người với virus cúm gia cầm có thể xảy ra khi có một lượng virus nhất định xâm nhập vào mắt, mũi hoặc miệng hoặc hít phải. Điều này có thể xảy ra khi virus ở trong không khí (trong các giọt nước hoặc có thể là bụi), một người hít phải nó hoặc chạm vào đồ vật có chứa virus trên đó sau đó chạm vào miệng, mắt hoặc mũi của họ. Bệnh ở người có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang