Chuyển đổi số - giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

author 11:43 24/04/2022

(VietQ.vn) - Cần xác định lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế các địa phương từ chính những tài nguyên bản địa, tài nguyên cộng đồng và góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn và các sản phẩm OCOP đang tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đến nay, cả nước đã có hơn 7.400 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên, với sự tham gia của hơn 4.000 chủ thể. Trong đó, có 20 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao OCOP quốc gia. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 3 cả nước về sản phẩm OCOP với hơn 1.270 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. 

Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm. (Ảnh minh họa) 

Theo ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên thế giới cũng như Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực và tác động mạnh đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh người dân nói chung và các chủ thể OCOP nói riêng. Trong bối cảnh đó, bên cạnh các kênh tiêu thụ tiêu thụ truyền thống như cửa hàng, siêu thị thì các kênh thương mại điện tử đã góp phần quan trọng hỗ trợ cho sản phẩm OCOP tiếp cận với người tiêu dùng dễ dàng và hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển hình thức thương mại điện tử tại nhiều địa phương còn hạn chế, nhiều chủ thể OCOP còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Một số nơi còn khá lúng túng trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả kênh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Vì vậy, cần xác định lấy chuyển đổi số làm giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.

“Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số, thương mại điện tử là xu hướng chung cho tất cả sản phẩm, trong đó sản phẩm OCOP cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Chuyển đổi số tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển sản phẩm OCOP trong thời gian tới”, ông Hoàng Vũ Quang cho biết.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ này có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang