Xây dựng niềm tin của người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử

author 11:06 07/02/2021

(VietQ.vn) - Việc có chế tài mạnh sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên Covid-19 cũng chính là “mồi lửa” thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, với thương mại điện tử, người bán không phải tốn kém chi phí cho việc thuê cửa hàng với đông đảo nhân viên phục vụ, không cần đầu tư nhiều kho chứa hàng mà vẫn kinh doanh tốt. Chỉ cần lập một trang mạng xã hội để bán hàng, mỗi tháng chỉ tốn khoảng 10 đến 20% chi phí để duy trì vận hành và quảng cáo là có được kênh bán hàng. Ðây là điều mà chỉ có thương mại điện tử làm được khi nó tạo ra một phương thức kinh doanh mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường đạt 11,8 tỷ USD, ước đạt 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh, đạt mức 35 tỷ USD. Song thị trường này vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhất là về vấn đề chất lượng hàng hóa và niềm tin của người tiêu dùng dành cho thương mại điện tử còn chưa vững vàng.

Mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa. 

Có thể thấy, sự thay đổi liên tục của công nghệ đã khiến các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử diễn ra ngày càng tinh vi, có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức và một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới như livestream đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, việc kinh doanh, buôn bán hàng nhái trên kênh online đem lại lợi nhuận hàng tỷ đồng, nhưng nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng cho nên hầu như không đủ sức răn đe. Vì thế, không ít đối tượng sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi bất chính từ hoạt động này. Bởi việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái tạo ra siêu lợi nhuận nên có sức hút rất lớn, lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, kể cả những người lao động thuần túy. Trên thực tế, việc xử lý những doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất hàng giả, hàng nhái đang ngày càng khó khăn hơn vì thủ đoạn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử hiện nay là do các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, chỉ có điện thoại để giao dịch, không thể kiểm tra được ngay hoặc không có sản phẩm tại địa chỉ kinh doanh. Hoàn toàn người mua không biết người bán là ai, sản phẩm như thế nào. Bên cạnh đó, vì là không gian, địa chỉ ảo nên người bán dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên việc phát hiện, xử lý càng trở nên khó khăn.

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển, trong khi lực lượng cán bộ thực thi nhiệm vụ còn mỏng, chuyên môn về công nghệ thông tin chưa cao, kỹ năng và quy trình thực hiện chưa đủ đáp ứng yêu cầu kiểm soát trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát thị trường thương mại điện tử chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Có thể thấy, hình thức thương mại điện tử đã tạo ra sân chơi mới cho các doanh nghiệp và phương thức mua sắm mới cho người tiêu dùng. Ðiều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải đổi mới, sáng tạo trong phương thức quản lý, kiểm soát và có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Việc có chế tài mạnh sẽ góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

Từ đó giúp hạn chế tối đa những kẽ hở, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả. Ðồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của chủ các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Mặt khác, mỗi người tiêu dùng cũng cần chủ động không tìm mua những mặt hàng có dấu hiệu làm giả, kém chất lượng để giúp cho hoạt động thương mại điện tử của nước ta ngày một phát triển lành mạnh hơn. Trên cơ sở đó, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan thương mại điện tử, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Xử lý hơn 800 vụ vi phạm hàng giả, gian lận thương mại(VietQ.vn) - Trong năm 2020 lực lượng QLTT tỉnh Hà Giang đã kiểm tra và xử lý 823 vụ vi phạm về hàng giả, hàng không nguồn gốc, gian lận thương mại.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang