Xây dựng tên tuổi doanh nghiệp Việt trên thị trường EU

author 15:45 18/11/2022

(VietQ.vn) - Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu, tên tuổi trên thị trường EU nhưng số lượng chưa nhiều. Và một trong những yếu tố cản trở doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU đó chính là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp.

Quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển khả quan

Sau hơn 2 năm từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU với những kết quả đáng ghi nhận, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19 và bất ổn chính trị tại các nước Châu Âu.

Hiệp định EVFTA đóng góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU phát triển khả quan. EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.

Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Cụ thể, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019.

Trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ của EU như Đức, Hà Lan, Pháp... mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu...

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hơn khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng như máy móc, thiết bị, dệt may, giày dép... mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng đang tăng ở mức cao. Đồng thời, hiệp định EVFTA cũng hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

Tuy nhiên, dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tăng tốc nhưng hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU trong khi dư địa của thị trường EU còn rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng được triệt để lợi thế “cuộc chơi” từ EVFTA.

Từng bước tạo dựng tên tuổi

Đánh giá chung về đặc điểm thị trường EU, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, EU là thị trường có sức mua cao, tiềm năng lớn và hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

“Thị trường EU không chỉ quan tâm đến giá thành, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến cách thức chúng ta làm ra sản phẩm, cách đối xử với người lao động, môi trường và xã hội. Hiện, chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp gia công, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu, tên tuổi trên thị trường quốc tế nhưng số lượng chưa nhiều. Hi vọng rằng thời gian tới sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo được chỗ đứng trên thị trường EU”, ông Ngô Chung Khanh nói.

Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cũng từng chia sẻ, rất ít doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa bằng tên của mình. Có những doanh nghiệp Việt Nam nằm trong top đầu xuất khẩu, nhưng hàng hóa được dán nhãn thương hiệu khác chứ không phải nhãn thương hiệu Việt Nam, điển hình trong một số lĩnh vực như dệt may, da giày, cà phê, trà, thủ công mỹ nghệ, hạt điều...

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Về khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, theo khảo sát của VCCI, cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định EVFTA, trong đó có những lợi ích về xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, nếu nhìn về góc độ những gì chúng ta chưa làm được thì vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi như khảo sát bên trên, trong 10 doanh nghiệp thì còn đến 6 doanh nghiệp không nhận được bất cứ lợi ích nào dù trực tiếp hay gián tiếp từ EVFTA.

Lý do lớn nhất mà doanh nghiệp chưa được hưởng lợi là do chưa từng có giao dịch nào với thị trường EU. Điều này cho thấy có vấn đề về kết nối, xúc tiến thương mại cho hàng hóa Việt Nam ở thị trường EU, vì vậy số khách hàng EU biết đến Việt Nam còn ít.

Thứ hai là doanh nghiệp không biết có lợi ích gì về EVFTA, đây có lẽ là vấn đề của nhận thức và thông tin. “Chúng ta đã làm khá tốt nhưng dường như chưa đủ tốt, vẫn cần phải cố gắng hơn nữa”, bà Thu Trang nhấn mạnh.

Thứ ba trong bối cảnh EU đang yêu cầu khắt khe các tiêu chuẩn xanh, cho thấy đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU, mà còn là thách thức đối với các doanh nghiệp đã có giao dịch, quen thuộc với thị trường này.

Ngoài ra, yếu tố cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, bên cạnh các yếu tố bất định do biến động thị trường thì yếu tố lớn nhất cản trở là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tự nhận thức được năng lực của mình, vì vậy, vấn đề chính ở đây là nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang