Xây dựng thương hiệu 'Tre trúc Xuân Lai': Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống

authorThu Thảo 14:15 20/04/2017

(VietQ.vn) - Xây dựng thương hiệu "Tre trúc Xuân Lai" cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống là điều tất yếu để có thể phát triển làng nghề trước nguy cơ mai một.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Với chính sách tạo lập, quản lý và phát triển thị trường và khai thác thương mại hợp lý, sản phẩm bàn ghế, nội thất bằng mây tre ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã nhận được sự yêu thích, ưa chuộng của người tiêu dùng.

Làng nghề tre trúc Xuân Lai  với sản phẩm tre hun khói độc đáo

Xuân Lai – hướng đi mới để phát huy làng nghề truyền thống

Từ những năm 1985 – 1990 trở về trước, sản phẩm của làng nghề Xuân Lai bị mai một dần do mẫu mã sản phẩm không đa dạng, người dân trong làng không còn tha thiết với nghề. Người dân trong làng thay vì duy trì làng nghề thủ công đều tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt để thu nhập kiếm sống.

Trước những nguy cơ làng nghề bị mất dần đi trong nếp sống và sinh hoạt của người dân xã Xuân Lai, những người có tâm huyết với nghề thủ công đã tìm hướng đi mới cho sản phẩm và làng nghề. Với những nỗ lực và cố gắn không ngừng, làng nghề Xuân Lai đã có những dấu hiệu khởi sắc trở lại. Các hộ gia đình trong xã đã đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất, tập trung vào chất lượng và mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Từ khi “hiện đại hóa” làng nghề đến nay, xã Xuân Lai mỗi ngày sản xuất hàng nghìn sản phẩm ra thị trường, trong đó nhiều nhất là sản phẩm cần câu trúc, bàn ghế, giường tủ làm từ tre hun khói với chất lượng cao và mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Năm 2014, UBND tỉnh ra quyết định chính thức công nhận Xuân Lai là làng nghề truyền thống của địa phương. Cuối năm 2016, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công bố nghề thủ công tre, trúc của xã Xuân Lai là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây là động lực lớn để địa phương tiếp tục phát triển nghề, đưa thương hiệu tre, trúc Xuân Lai vươn xa hơn.

Hiện tại, thôn Xuân Lai có 255 hộ làm nghề tre trúc, 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao với khoảng 540 lao động thường xuyên có việc làm, bình quân thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Tổng giá trị sản xuất từ nghề mây tre đan ước đạt 30-40 tỷ đồng/năm. Trong quá trình phát triển, các hộ làng nghề từng bước mở rộng quy mô nhà xưởng, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, tạo được uy tín và khẳng định thương hiệu trên thị trường, chú trọng các điều kiện về vệ sinh môi trường. Một số sản phẩm nổi bật của làng nghề truyền thống Xuân Lai hiện nay có thể kể đến như: tranh tre, bàn, ghế,xích đu, giường, tủ kệ sách báo, khung nhà bằng tre…

 Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất giúp sản phẩm tre Xuân Lai cải thiện chất lượng và tăng năng suất lao động 

Tuy nhiên, thương hiệu mây tre đan Xuân Lai đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn trên con đường tìm đến các thị trường lớn hơn. Cụ thể, khó khăn lớn nhất hiện nay của các hộ, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển là mặt bằng sản xuất nhỏ, chủ yếu nằm xen trong khu dân cư. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ở làng nghề vẫn phải thông qua các khâu trung gian để tiêu thụ làm giảm lợi nhuận. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn xảy ra, ảnh hưởng nhiều tới uy tín của làng nghề. Cùng với đó, sự thiếu gắn kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, ở cả đầu vào-đầu ra của sản phẩm đã khiến cho giá trị kinh tế hàng hóa làng nghề chưa được như mong muốn.

Địa phương chung tay xây dựng thương hiệu "Tre trúc Xuân Lai" 

Bảo hộ thương hiệu Xuân Lai, hay xây dựng nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai" cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của làng nghề là điều tất yếu để có thể phát triển làng nghề. Đây cũng là mong mỏi của các bậc nghệ nhân cũng như người dân tại làng nghề Xuân Lai.

Điều đặc biệt ở làng nghề này là bí quyết tạo ra sản phẩm tre hun khói không thể "sao chép". Đã có rất nhiều người đến làng xin học nghề, thậm chí học nghề nhiều năm, khi tay nghề đạt đến trình độ thành thạo thì mang nghề về quê hương mình, nhưng không thể tạo ra sản phẩm tre hun khói độc đáo như khi còn ở Xuân Lai. Tuy vậy, trên thị trường hiện nay vẫn có rất nhiều sản phẩm đồ gia dụng, thủ công mỹ nghệ mang mác "Xuân Lai" không đúng nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng.

Để xây dựng và phát triển nhãn hiệu riêng cho làng nghề mây tre đan Xuân Lai, góp phần gìn giữ thương hiệu, làng nghề, giải quyết công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương, ngày 05/05/2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt và giao Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh chủ trì thực hiện đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Mây tre đan Xuân Lai" dùng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre của làng nghề truyền thống xã Xuân Lai, huyện Gia Bình". Trong quá trình triển khai đề tài, để phù hợp nhất với thực tế của làng nghề cũng như nguyện vọng của người dân, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh đã đề xuất sử dụng tên nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai" đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ và được UBND tỉnh chấp thuận. 

 

Sản phẩm của làng nghề tre trúc Xuân Lai 

Đề tài xây dựng thương hiệu được chính quyền và nhân dân xã Xuân Lai nhiệt tình ủng hộ, tham gia đóng góp ý kiến, được UBND huyện Gia Bình phối hợp sát sao. Cùng với quá trình triển khai nghiêm túc và bài bản của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, hiện nay hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai" đã được nộp Cục Sở hữu trí tuệ và đang trong quá trình thẩm định.

Trong khuôn khổ dự án, cơ quản chủ trì thực hiện ngoài việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể "Tre trúc Xuân Lai", sẽ xây dựng hệ thống văn bản quản lý đối với nhãn hiệu, xây dựng một số công cụ quảng bá sản phẩm và làng nghề như hệ thống nhận diện thương hiệu, đoạn phóng sự giới thiệu làng nghề, website cho làng nghề...nhằm mục đích quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể hơn nữa, tạo tiền đề vững chắc cho làng nghề trong quá trình hội nhập và phát triển.

Với những bước xây dựng thương hiệu và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hy vọng sau một thời gian nữa, “Tre trúc Xuân Lai” sẽ trở thành thương hiệu uy tín và nổi bật, đem lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất và mang lại diện mạo mới cho làng nghề.

Sắp diễn ra sự kiện cộng đồng hoành tráng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới(VietQ.vn) - Sáng ngày 22/4 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra sự kiện cộng đồng kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4.

Thu Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang