C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Xin lỗi, URC có hết ‘tội đầu độc’ người dùng?

authorDương Phương Ngọc 06:20 16/06/2016

(VietQ.vn) - Về sự cố C2, Rồng đỏ nhiễm chì, sau hơn 1 tháng “im hơi lặng tiếng”, Công ty URC Việt Nam đã chính thức lên tiếng xin lỗi người dùng Việt Nam.

Sau hơn 1 tháng “im hơi lặng tiếng”, Công ty URC Việt Nam đã chính thức lên tiếng xin lỗi người dùng Việt Nam. Trên trang Facebook chính thức của C2, người đại diện, Jai Gamboa, Tổng Giám Đốc URC Việt Nam đã nói: “URC xin chân thành gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng Việt Nam về sự việc đã khiến các bạn lo lắng trong thời gian qua”.

Lần đầu tiên sau hơn 1 tháng C2, Rồng đỏ nhiễm chì của URC được phát hiện, URC mới chính thức lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng Việt Nam, nhưng họ chỉ xin lỗi “về sự việc đã khiến các bạn lo lắng trong thời gian qua”, chứ không hề xin lỗi về các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm cực kỳ nghiêm trọng của mình, cũng chưa thẳng thắn nhận lỗi về gần 1 triệu chai C2, Rồng đỏ nhiễm chì đã được lưu thông, tiêu thụ hết trên thị trường thời gian vừa qua...

Thông tin mới nhất về vụ nước tăng lực Rồng đỏ có cặn tại Đồng Nai(VietQ.vn) -Trong khi khách hàng yêu cầu đem chai nước Rồng đỏ có cặn tới kiểm nghiệm tại Quatest 3 thì phía URC lại muốn kiểm định tại phòng thí nghiệm của nhà máy.

Trong khi đó, chì là một kim loại nặng rất độc. Trẻ em bị nhiễm độc chì có thể bị ảnh hưởng di chứng về sau như chậm phát triển trí tuệ, nhận thức, nhiều trường hợp gây chứng tăng động, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến mắt, gây liệt...

Ở người lớn khi bị nhiễm độc chì nếu nhẹ sẽ có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, hay buồn ngủ, nặng thì hay mê sảng, co giật…Về tiêu hóa gây đau bụng, chán ăn, ngoài ra, chì còn ảnh hưởng đến cơ xương khớp, ảnh hưởng tới máu, có thể gây bệnh ở thận…

Theo các luật sư, dưới góc độ hình sự, trong trường hợp URC biết sản phẩm C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt mức cho phép mà vẫn tung ra thị trường thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại cho tính mạng hoặc thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Với mức độ nguy hiểm của thực phẩm nhiễm độc chì như trên, một lời xin lỗi “vì đã khiến các bạn lo lắng” có đủ để người dân – những ai đã trót lỡ uống phải “thứ nước giải khát độc hại” này có thể bỏ qua và tha thứ chưa?! - Câu trả lời có lẽ là chưa.

Thậm chí, liên quan đến vụ việc này, theo lời khuyên của các luật sư, người tiêu dùng cần tập hợp, củng cố tài liệu chứng cứ để khởi kiện yêu cầu URC bồi thường.

 URC đã xin lỗi người dùng Việt Nam. Ảnh: P.Ngọc.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, chiều 31/5, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty URC Hà Nội với số tiền 5,8 tỷ đồng và buộc phải thu hồi, tiêu hủy hai lô sản phẩm nước uống mang nhãn hiệu C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Thanh tra Bộ này cũng đã giám sát việc tiêu hủy 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ (khoảng 10 tấn) thuộc lô Trà xanh hương Chanh C2, sản xuất ngày 4/2/2016 và lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu, sản xuất ngày 10/11/2015 do nồng độ chì vượt quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với phần còn lại của 2 lô hàng đã được bán ra thị trường với giá trị khoảng 3,785 tỷ đồng.

Trong thông báo trên trang Facebook chính thức của C2, URC cho biết: “Chúng tôi đã thu hồi sản phẩm thuộc hai lô hàng nói trên từ các nhà phân phối và bán lẻ. Nếu người tiêu dùng tìm thấy bất cứ sản phẩm nào trong hai lô hàng này còn lưu hành, vui lòng liên hệ với đường dây chăm sóc khách hàng 19001740 để chúng tôi tiến hành thu hồi ngay lập tức”.

Điều này đồng nghĩa với việc, không loại trừ khả năng: Trên thị trường hiện nay vẫn còn trôi nổi các sản phẩm C2, Rồng đỏ nhiễm chì trong diện thu hồi và tiêu hủy nói trên.

Người dùng băn khoăn: Tại sao URC không thanh kiểm tra toàn bộ sản phẩm trong hệ thống của mình? 

Có nhiều lý do để biện minh cho việc khó thu hồi các sản phẩm đã đưa ra thị trường. Vì các sản phẩm này, qua rất nhiều tầng nấc trung gian đã được phân phối đến hàng triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ trên cả nước và được người dân mua về, có thể uống rồi, có thể chưa… Tất nhiên, việc thu hồi thực ra cũng không khó đến mức “bất khả thi”.

Thậm chí như sáng kiến của một số người thì còn có phần đơn giản. Đó là “công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc thu hồi sản phẩm và trả lại tiền cho người mua hoặc thưởng cho người mang trả lại các sản phẩm này… thì việc thu hồi sẽ xong trong chưa đầy một nốt nhạc”. Vấn đề là, việc thu hồi như vậy sẽ làm phát sinh thêm chi phí. Và cái khó nhất trong việc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm có lẽ chính là ở khoản chi phí này.

Doanh nghiệp tất nhiên sẽ chẳng bao giờ tự nguyện mất thêm một khoản chi phí như thế. Và vì vậy, người dân nếu không cẩn thận và tỉnh táo, họ sẽ là người lãnh đủ nếu không để ý mà uống phải chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì nặng!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang