Xin ý kiến đóng góp về chương trình tăng năng suất lao động

author 18:09 24/10/2022

(VietQ.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tham vấn các tổ chức, chuyên gia trong nước, khảo sát các địa phương, tổ chức liên quan; trao đổi với các chuyên gia quốc tế triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.

Đến nay, dự thảo Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành.

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, báo cáo Đề án theo cấu trúc cơ bản, gồm: Mở đầu là tình hình thực hiện chủ trương chính sách liên quan đến thúc đẩy năng suất lao động và thực trạng năng suất lao động ở Việt Nam giai đoạn 2011-2021; quan điểm, mục tiêu và giải pháp tăng năng suất lao động giai đoạn 2022-2030 và tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, đề án tập trung phân tích năng suất lao động theo ngành, vùng, thành phần kinh tế và các nhân tố tác động; các cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến năng suất lao động, với phạm vi rộng hơn các đề án trước chỉ tập trung vào nguồn nhân lực; giáo dục - đào tạo; khoa học công nghệ; đề cập, phân tích về ổn định kinh tế vĩ mô do tầm quan trọng đối với tạo môi trường ổn định cho cải cách vi mô, đầu tư đổi mới khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, dự thảo đề án tập trung vào các điểm nhấn chính, gồm: thúc đẩy năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm, cực tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức nhằm tạo thêm động lực cho tăng năng suất lao động bền vững hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo tập trung phân tích tổng thể nền kinh tế, khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trọng điểm; kết quả đạt được về năng suất lao động của cả nước và theo ngành kinh tế, khu vực, địa phương; chất lượng lao động; những hạn chế, yếu kém; từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Góp ý cho dự thảo, các đơn vị liên quan đánh giá cao nội dung của dự thảo, đưa ra các đánh giá khá toàn diện; đồng thời, tập trung phân tích vào quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ giải pháp và những định hướng giải pháp chính nhằm thúc đẩy năng suất lao động bền vững hơn.

Ảnh minh hoạ

Đề xuất cho dự thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, dự thảo phải nhấn mạnh được tăng năng suất lao động trở thành một động lực chủ chốt cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực chính cho cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Nền tảng để khai thác động lực cho tăng trưởng năng suất lao động dựa trên tiền đề cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường và cơ cấu lại nền kinh tế thực chất và hiệu quả; vai trò dẫn dắt là chuyển đổi số, đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng. Đồng thời, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, các ngành, khu vực và vùng kinh tế theo hướng gia tăng khả năng cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.

Nhìn vào số liệu thống kê, năm 2000 Việt Nam có 65,3% lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến năm 2020, tỷ trọng hai phần ba thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã giảm xuống còn 37,2%, tăng thêm lao động cho lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Những năm trước lĩnh vực nông nghiệp tuyển dụng nhiều lao động nhất, đến nay lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp tuyển dụng số lao động gần tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%) và theo sát là lĩnh vực công nghiệp (25,5%). Con số này cũng phần nào lý giải năng suất lao động của Việt Nam bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%).

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.

Còn năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 chỉ tăng 5,4% (so với mức tăng 6,2% năm 2019 và ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây), đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực. Phân tích thêm yếu tố đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý, nâng cao trình độ lao động... được phản ánh trong “Năng suất nhân tố tổng hợp” (TFP) là chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động thì TFP bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%).

Đó cũng là kết quả của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Mặc dù có mức tăng trưởng năng năng suất lao động cao, nhưng Việt Nam vẫn chưa theo kịp để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, theo ước tính của ILO, năng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang