Xu hướng mua sắm trực tuyến tăng cao nhưng hàng Việt còn 'lép vế'

author 06:00 06/10/2021

(VietQ.vn) - Theo bộ phận nghiên cứu iPrice Insights trụ sở Malaysia công bố, hàng có thương hiệu Việt Nam hiện chỉ chiếm 17% lượt tìm mua trên thương mại điện tử.

 Hàng Việt chỉ chiếm 17% lượt tìm kiếm trên các sàn TMĐT. Ảnh minh hoạ

Theo đó, bộ phận nghiên cứu iPrice Insights đã tiến hành phân tích gần 1 triệu lượt truy cập trên thương mại điện tử trong vòng 12 tháng, tập trung vào 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) đa ngành lớn nhất Việt Nam là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.

Bất chất xu hướng mua sắm trực tuyến đang lên ngôi mạnh mẽ, kết quả khảo sát cho thấy các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên các sàn TMĐT trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, có đến hơn 80% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn thương mại điện tử là hàng thương hiệu nước ngoài. Đáng chú ý là xu hướng tìm kiếm hàng Việt có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021, điều này phần nào cho thấy doanh nghiệp trong nước đang chưa thể tận dụng hiệu quả kênh thương mại điện tử dù kênh này tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Trong đó, khi so sánh giữa các sàn TMĐT, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn TMĐT Sendo với 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến trên sàn Sendo là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Bước sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua, cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).

Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy tính phù hợp cao và sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt, báo cáo đánh giá. Tiki là sàn TMĐT duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này phần nào giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại, và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội. Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian Hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và tích cực xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch. Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt.

Nhìn chung, hàng Việt chưa thật sự nổi trội trên các sàn TMĐT; tuy nhiên, nếu xét riêng ngành hàng bách hóa, nông sản thì doanh nghiệp Việt lại có lợi thế, tỷ trọng hàng thương hiệu Việt bán chạy trên 2 sàn thương mại điện tử là Sendo đạt hơn 80%, Tiki đạt hơn 60%.

 Các mặt hàng đặc sản vùng miền trên sàn Sendo

Theo báo cáo TMĐT quý II-2021 từ iPrice và số liệu từ Google, lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II-2021 và tăng 11 lần trong tháng 7 so với các tháng trước đó. Trong đó, các mặt hàng nông sản đặc sản đã trở thành nhóm ngành bán chạy trên các sàn TMĐT, đặc biệt là Sendo và Tiki.

Mặt khác, báo cáo iPrice ghi nhận thêm các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa còn có nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.

Số liệu thu thập thực tế trên sàn Sendo ở ngành hàng nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam cho thấy tăng vọt 50% trong năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trước đó, trong năm 2020, con số này cũng đã tăng 29% so với năm 2019. Sàn này cho biết số lượng đơn hàng mua nông sản đặc sản có nguồn gốc Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng đến 45% so với năm ngoái. Một số sự kiện nổi bật bao gồm xúc tiến thành công 100 tấn rau Hải Dương và 100 tấn vải thiều Bắc Giang trên sàn Sendo.

Có thể thấy, ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong hai năm 2020 và 2021 đã vô tình tạo nên những điều kiện kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp trực tuyến về cả cung và cầu. Như vậy, bản đồ nông sản đặc sản trên sàn TMĐT đang nổi bật lên hình ảnh các doanh nghiệp nội. Thế nhưng, việc chuyển mình thành ngành ”gà đẻ trứng vàng” cho TMĐT hậu đại dịch thành công hay không cần nhiều nỗ lực và tạo điều kiện từ nhiều phía, tương tự như các chương trình xúc tiến nông sản của Bộ Công Thương các tháng vừa qua.

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang