Xử lý nghiêm hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu

author 15:48 08/08/2024

(VietQ.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 50 triệu đồng về hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Cụ thể, Đội QLTT số 7 khám phương tiện vận tải là xe ô tô tải mang biển kiểm soát số 34H-01793 do ông Hồ Văn Hậu có địa chỉ tại khu dân cư Phú Tảo, phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương điều khiển. Qua quá trình khám phương tiện, Đội QLTT số 7 phát hiện trên phương tiện vận tải có vận chuyển 90 bao đường loại 50kg/bao với tổng khối lượng là 4.500kg đường các loại.

Toàn bộ 4.500 kg đường nói trên đều được sản xuất tại Thái Lan, mang các nhãn hiệu như: ERAWAN SUGAR, RAYONG SUGAR, MITR PHOL, KORACH không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra, bị coi là hàng hóa nhập lậu theo quy định của pháp luật. Theo khai nhận của ông Hồ Văn Hậu, số hàng hóa nói trên được ông nhận vận chuyển từ Quảng Trị để đưa ra Hà Nội để tiêu thụ.

Đội QLTT số 7 đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hồ Văn Hậu về hành vi vi phạm cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm). Sau đó, Đội QLTT số 7 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Quảng Bình để trình cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Xử lý nghiêm hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Ngày 06/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hồ Văn Hậu về hành vi vi phạm hành chính cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu (hàng hóa nhập lậu là thực phẩm) với số tiền xử phạt 50.000.000 đồng. Toàn bộ số tang vật vi phạm gồm 4.500kg đường các loại sản xuất tại Thái Lan nhập lậu bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo quy định. Trị giá tang vật vi phạm là 67.500.000 đồng.

Theo các chuyên gia, tình trạng vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu đang diễn biến hết sức phức tạp. Không chỉ chia nhỏ vận chuyển như trước, các đối tượng buôn lậu đường thậm chí còn hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch; sử dụng hóa đơn xuất hàng của các nhà máy đường trong nước, tập kết đường lậu tại khu vực biên giới sau đó thay nhãn hiệu bao bì đường trong nước để đưa vào nội địa tiêu thụ;…

Bằng phương thức thủ đoạn này, các đối tượng thậm chí công khai vận chuyển bằng xe tải lớn để tuồn đường lậu vào thị trường trong nước mỗi chuyến từ vài trăm bao trở lên.

Sau khi “tràn” vào nội địa, đường lậu được tung ra thị trường thông qua chợ đầu mối, chợ truyền thống, các chủ doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ, tiệm tạp hóa… Thậm chí, đường lậu còn được rao bán online thông qua website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Dưới sự “phù phép” tinh vi của các đối tượng buôn lậu từ bao bì nhãn hiệu đến giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hoá đơn xuất hàng,… ngay cả các thương lái và người tiêu dùng cũng gặp khó khăn trong phân biệt đâu là đường lậu, đâu là đường của các thương hiệu uy tín trong nước.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia sức khỏe, đường lậu trong quá trình vận chuyển, sang chiết sẽ không tránh khỏi việc nhiễm tạp chất có hại. Cụ thể do sang chiết một cách thủ công, lén lút nên đường nhập lậu dễ bị nhiễm khuẩn, lẫn các tạp chất vào và không đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho đường cát trắng. Chẳng hạn, các chất nhiễm bẩn như Asen không lớn hơn 1 mg/kg, đồng không lớn hơn 2 mg/kg, chì không lớn hơn 0,5 mg/kg…

Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, với tình trạng hoạt động nhập lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường diễn biến phức tạp như hiện tại, không chỉ người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp “ăn trái đắng” mà còn gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Theo pháp luật hiện hành, hành vi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là vận chuyển hàng hóa không xác định đượnguồn gốc sản xuất hoặc nơi thực hiện các quy trình chế biến. Hàng hóa không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường và đến tay người tiêu dùng làm giảm chất lượng cuộc sống gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Tại khoản 5 điều 44 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định này, người nộp thuế còn bị xử phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành".

Đối với tội vận chuyển hàng hoá không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt như trên kèm theo xử phạt hành chính tại Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ-CP: Xử lý vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa có giá trị nhỏ hơn 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hàng hóa không có hóa đơn; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Hình thức xử phạt bổ sung cho những trường hợp vi phạm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Tịch thu phương tiện vi phạm là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm đối với hành vi vi phạm trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả khi vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ: Buộc tịch thu tiêu hủy tang vật vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa, thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng, bao bì hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này. Buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được nhờ thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này. Nếu vi phạm một trong những nội dung trên, không có giấy tờ chứng minh sẽ phải chịu xử phạt theo quy định của nhà nước ban hành.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang