Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo, nâng cao quyền lợi người tiêu dùng

author 06:57 29/02/2024

(VietQ.vn) - Việc sửa đổi Luật Quảng cáo góp phần hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về quảng cáo nhằm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.

Về sự cần thiết phải xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 21/6/2012, Quốc hội nước khóa XIII đã thông qua Luật Quảng cáo thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Theo đó, Luật Quảng cáo ra đời đã điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo, từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, trách nhiệm quản lý nhà nước, các hành vi cấm, yêu cầu, điều kiện đối với từng nội dung quảng cáo, phương tiện quảng cáo cho đến các loại hình quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

Luật Quảng cáo đã góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các thủ tục và dịch vụ công, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hoá và thị trường thương mại tự do.

Thông qua các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về quảng cáo được ban hành, đến nay, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ không chỉ gia tăng cả về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.

 Ảnh minh hoạ.

Luật Quảng cáo cũng là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, bảo đảm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị hiện đại, văn minh… Các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều tồn tại, vướng mắc phát sinh mà trước đó chưa có quy định để xử lý, đặc biệt là tình trạng quảng cáo rao vặt, quảng cáo tấm lớn tràn lan gây mất mỹ quan đô thị, quảng cáo có nội dung thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “ nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được nêu trên thì lĩnh vực quảng cáo cũng xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh pháp luật như: Thiếu cơ chế để kiểm soát hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và sự hạn chế hình thức tham gia của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài trong thị trường quảng cáo Việt Nam; Việc xác định tính trung thực, chính xác của một số nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ còn gặp khó khăn gây ra nhiều ý kiến trái chiều, bất ổn trong xã hội;

Sự thay đổi của doanh nghiệp trong việc lựa chọn phương tiện quảng cáo để quảng cáo cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Trong khi đó, năng lực thích ứng của các Đài truyền hình bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về quảng cáo gây ra tình trạng sụt giảm mạnh doanh thu quảng cáo; Hoạt động quảng cáo trên internet, mạng xã hội thông qua người nổi tiếng, người có ảnh hưởng chưa có sự kiểm soát của quy định pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước gây ra hiện tượng quảng cáo tràn lan, thiếu chính xác; Một số quy định về thủ tục hành chính như thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong thực hiện.

Mục đích xây dựng Luật nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.

Quan điểm xây dựng luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quảng cáo còn tồn tại, vướng mắc, khó khăn, chưa phù hợp thực tiễn, bổ sung các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; Luật hóa quy định, cơ chế đã được thực tiễn khẳng định phù hợp nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài...;

Hoàn thiện cơ chế, chế tài để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm chính sách, pháp luật về quảng cáo nhằm nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo; thực hiện phân cấp thẩm quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang