Kiên Giang xử phạt cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về nhãn hàng hóa

author 14:07 15/01/2024

(VietQ.vn) - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về 02 hành vi vi phạm quy định ghi nhãn với số tiền 26,25 triệu đồng, buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.

Được biết trước đó, Đội QLTT số 7 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật T.V.N tại xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Kết quả kiểm tra ban đầu, Đội QLTT số 7 xác định hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật T.V.N có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá đối với sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật cây bi-a 400SC, số lượng 400 chai, có giá trị 104 triệu đồng. Cụ thể trên nhãn hàng hóa không có đầy đủ thông tin bắt buộc ghi trên nhãn theo quy định. Để đảm bảo, Đội QLTT số 7 đã tạm giữ lô hàng để tiếp tục thẩm tra, xác minh.

Qua làm việc với đại diện hộ kinh doanh cùng những tài liệu thu thập được, Đội QLTT số 7 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về 02 hành vi: “Buôn bán hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa; ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về ngôn ngữ sử dụng theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa”. Đồng thời chuyển hồ sơ về Cục QLTT tỉnh Kiên Giang trình Cục trưởng ban hành quyết định xử phạt.

400 chai thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về nhãn hàng hóa bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Kiên Giang

Liên quan tới quy định về nhãn hàng hóa, ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trong đó có nhiều điểm mới cần lưu ý như phạm vi điều chỉnh, quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa… Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trước đây, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP không điều chỉnh đối với hàng hóa xuất khẩu).

Đối với các loại hàng hóa đặc biệt như bất động sản; thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa đã qua sử dụng; nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản)… theo quy định.

Quy định rõ hơn về những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể, đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.

Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan.

Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt; hàng hóa được sản xuất trong nước ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó; hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Đặc biệt, đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nếu nhãn hàng hóa, bao bì thương phẩm gắn nhãn hàng hóa đúng quy định đã sản xuất, in ấn trước ngày 15/02/2022 thì được tiếp tục sử dụng để sản xuất hàng hóa nhưng không quá 02 năm kể từ ngày 15/02/2022.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang