Sử dụng tràn lan lá cây chữa bệnh: Nguy cơ 'bệnh chồng bệnh'

author 11:31 16/09/2023

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, thời gian gần đây nhiều người đã phải gánh hậu quả nặng nề về sức khỏe do tự ý nghe theo lời mách bảo, truyền miệng dùng lá cây chữa bệnh.

Dù cơ quan y tế đã khuyến cáo việc sử dụng các loại rễ, củ, lá cây để chữa bệnh cần phải có hướng dẫn cụ thể, nhưng không ít người vẫn nghe lời mách bảo, truyền miệng, vội vàng tìm đến các loại thuốc từ cây cỏ. Thực tế, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe. 

Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhi (8 tháng tuổi) trong tình trạng đầu, mặt bong tróc da do bị viêm da cơ địa và viêm da đầu rất nặng nề sau khi gia đình cho trẻ tắm nước lá.

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, viêm da cơ địa thông thường được phát hiện khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi trở lên. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như: nhiễm khuẩn da, nhiễm virus, lở loét, mẩn ngứa…, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Nhiều người bị viêm da cơ địa hoặc bệnh về da đã tự ý dùng các bài thuốc dân gian hay nghe theo lời truyền miệng, sử dụng các loại lá có tính mát để tắm, đắp lên với mong muốn sẽ đỡ ngứa, bớt rôm sẩy, mụn nhọt, thế nhưng thực tế hiệu quả không như mong đợi. 

Việc dùng lá cây chữa bệnh không đúng cách có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Ảnh: SGGP

Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cảnh báo, không ít loại lá cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến các vết tổn thương da nghiêm trọng hơn, gây tình trạng bội nhiễm, thậm chí nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho không ít trẻ bị thủy đậu nhưng gia đình lại tìm mua lá thuốc nam về sắc, tắm cho trẻ khiến các nốt phát ban phồng rộp, chảy nước dẫn đến nhiễm trùng da, gây tình trạng “bệnh chồng bệnh”.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thủy đậu là bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải, nhưng do gia đình xử trí không đúng cách, đun lá cây để tắm cho trẻ khiến các tổn thương trên da trầm trọng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu thông tin, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trở nặng do chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian hoặc truyền miệng. Việc sử dụng lá cây rừng điều trị theo kinh nghiệm, chưa được kiểm chứng, không đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi đắp vào các vị trí bị tổn thương như: chân, tay, ngón tay, ngón chân… dẫn đến vết thương bị hoại tử, có trường hợp bị nhiễm trùng, áp xe. 

Nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện điều trị phải cắt bỏ chân, tay hoặc các ngón tay, ngón chân; có trường hợp bị hoại tử nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Thực tế cho thấy, có rất nhiều loại cây có thể chữa bệnh nhưng cũng rất độc hại với sức khỏe như: cây thuốc Hoàng Lan nếu được chế biến và chỉ định dùng đúng liều mới có tác dụng chữa bệnh nhưng nếu dùng quá liều sẽ gây hôn mê dẫn đến tử vong.

Tương tự, Phòng khám Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị viêm da cơ địa nặng. Theo lời người nhà kể lại, cách đây khoảng 20 ngày, trên da bệnh nhi xuất hiện những nốt mụn đỏ mọng nước. Được họ hàng mách dùng lá cây về đắp, chữa sẽ khỏi nên gia đình đã thực hiện. Sau 1 khoảng thời gian đắp thuốc, nốt mụn có dấu hiệu loét và lan ra rộng hơn. Gia đình đã đưa đến bệnh viện tuyến huyện để thăm khám và được giới thiệu ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng thăm khám và điều trị.

Thông tin về tình trạng người dân sử dụng lá cây chữa bệnh tràn lan, bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thanh Hải - Hội Đông y tỉnh Nghệ An cũng chia sẻ, đây là thực trạng đáng lo bởi Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào, nhiều bài thuốc gia truyền, do vậy, nhiều người lựa chọn sử dụng thuốc Đông y vì lành tính. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp điều trị, cảnh giác và tránh xa những lời truyền miệng hay hình ảnh quảng cáo về các thầy lang, thần y trên mạng xã hội, mạng internet. Ngoài ra, mọi người cũng cần ý thức rõ, thuốc Nam, Đông y hay tân dược đều không thể sử dụng tùy tiện, không theo kê đơn của bác sĩ và không phải thuốc Nam, Đông y là lành tính, ít tác dụng phụ hơn tân dược.

"Để an toàn hơn, khi có nhu cầu sử dụng thuốc Nam, Đông y, người dân nên đến các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện có Khoa Y học cổ truyền, phòng khám y học cổ truyền (đã được Sở Y tế cấp phép) để được chẩn trị" - Bác sĩ Chuyên khoa II Bùi Thanh Hải khuyến cáo.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang