Xử phạt cửa hàng găm xăng chờ tăng giá, bán nhỏ giọt

author 19:23 02/03/2022

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với cửa hàng xăng dầu Đức Long Bảo Lộc (Công ty TNHH dầu khí Hà Thành - Chi nhánh Lâm Đồng) về hành vi găm hàng, chỉ bán xăng nhỏ giọt.

Trước đó, nhiều người chạy xe máy đến cửa hàng xăng dầu Đức Long Bảo Lộc (trên quốc lộ 20, đoạn gần bến xe Đức Long - Bảo Lộc) mua xăng, nhân viên ở đây cho biết chỉ bán tối đa 30.000 đồng mỗi xe máy, còn ôtô thì 500.000 đồng mỗi xe với lý do hết xăng.

Người dân bức xúc vì đây là thời điểm gần đến giờ điều chỉnh giá xăng, dầu (15h ngày 1/3) theo quyết định của liên Bộ Tài chính - Công Thương, nên phản ánh cơ quan chức năng.

Nhận tin phản ánh, Đội Quản lý Thị trường số 3, Phòng kinh tế và Đội cảnh sát kinh tế - Công an TP .Bảo Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra cửa hàng xăng dầu này.

Qua kiểm tra, lượng xăng RON 95-III tồn trong bồn chứa tại cây xăng Đức Long Bảo Lộc là 3.829 lít, không phải hết xăng như nhân viên nơi này nói với khách hàng. Cùng với một số chứng cứ khác, đoàn kiểm tra xác định cửa hàng này vi phạm về hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng và không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

 Cục Quản lý Thị trường tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với cửa hàng xăng dầu Đức Long Bảo Lộc.

Trước đó, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý Thị trường tăng cường quản lý địa bàn và triển khai biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án cũng như phối hợp lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt các đơn vị kinh doanh xăng dầu nhằm phát hiện hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Cùng với đó, tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, đồng thời giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Về chế tài xử lý cây xăng cố tình “găm hàng” chờ tăng giá hòng trục lợi, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi, hậu quả, thiệt hại mà hành vi gây ra, động cơ, mục đích… mà tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 30 Nghị định 67/NĐ-CP về xử phạt lĩnh vực xăng dầu nêu rõ, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không niêm yết thời gian bán hàng tại nơi bán hàng; Niêm yết thời gian bán hàng không rõ ràng, không dễ thấy.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng…

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196 BLHS 2015 sửa đổi. Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 30-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng; Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội trong trường hợp hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 7-15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này bị phạt tiền từ 300 triệu - 9 tỷ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm. “Thời gian qua, tình trạng các cây xăng “găm hàng” chờ tăng giá nhằm trục lợi diễn ra ngày càng nhiều, gây bức xúc trong xã hội. Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước, cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với đối tượng có hành vi vi phạm” - Luật sư Hồng Vân đề xuất.

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang