Xử phạt đơn vị sản xuất bồn chứa nước inox giả mạo thương hiệu
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Người trẻ theo đuổi lối sống xanh dễ dàng nhờ giải pháp thuê xe điện
Thực hiện nhiệm vụ của Phòng Nghiệp vụ 3, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổ Thương mại điện tử đột xuất kiểm tra đối với Công ty TNHH Minh Tú Anh, địa chỉ số 113 đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Doãn Thiệu làm Giám đốc.
Công ty TNHH Minh Tú Anh là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm là bình chứa nước với nhiều thương hiệu khác nhau trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm sản xuất của Công ty TNHH Minh Tú Anh có 146 chiếc nhãn hàng hóa không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa. Số nhãn hàng hóa này chưa được dán lên các sản phẩm bồn chứa nước inox.
Xử phạt đơn vị sản xuất bồn chứa nước inox giả mạo thương hiệu.
Đặc biệt, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đã sản xuất hoàn thiện 11 chiếc bồn chứa nước inox, trên thân bồn có phun sơn nhãn hiệu SOHA do Công ty TNHH Minh Tú Anh bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trên thân bồn chứa nước inox còn dập nhãn hiệu SOHA; chi tiết này có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu SONHA theo Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ. Trị giá lô hàng vi phạm 16,7 triệu đồng.
Ngoài ra, làm việc với Đoàn kiểm tra, chủ cơ sở khai nhận, thời gian qua Công ty đã bán ra 10 sản phẩm bồn chứa nước inox mang nhãn hiệu SOHA xâm phạm quyền như đã nêu trên. Với các hành vi vi phạm nêu trên, Đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 100 triệu đồng.
Cùng với đó, Công ty TNHH Minh Tú Anh bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoạt động sản xuất hàng hóa vi phạm 2 tháng cho hành vi sản xuất hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định.
Cơ sở này cũng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông" đối với lô hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm hành chính đã bị tiêu hủy trái quy định pháp luật; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, tổng số tiền Công ty TNHH Minh Tú Anh phải nộp vào ngân sách Nhà nước đối với các hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là trên 209 triệu đồng.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp. Thuật ngữ này được sử dụng từ lâu và phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. Theo Luật sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu là “dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4).
Chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một tổ chức, cá nhân có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu nhằm phù hợp nhu cầu kinh doanh từng chủng loại và từng khu vực cụ thể, theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, nhiều tổ chức, cá nhân vì mục đích thu lợi bất chính hoặc làm giảm uy tín để cạnh tranh không lành mạnh mà xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác được đăng ký bảo hộ thông qua hành vi giả mạo nhãn hiệu đó. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp xử lý hành chính, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
Đối với trường hợp xử lý hình sự, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ xâm hại chế độ quản lý của Nhà nước trong hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo vệ. Do đó, hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sau: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).
Việc xác định hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả hay tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên từ thực tiễn xét xử hành vi trên, cá nhân chỉ nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp để tăng lợi nhuận kinh doanh chứ không nhằm lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm sẽ bị xử lý về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; còn nếu hành vi giả mạo đồng thời nhằm mục đích lợi dụng uy tín thương mại của chủ sở hữu hợp pháp các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và lừa gạt người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa thì xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
An Nguyên