Xử phạt hai công ty vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

author 17:16 04/05/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Công ty TNHH Thương mại sản xuất xuất nhập khẩu An Catering và Công ty TNHH MTV SX TM Ngọc Tú MP Catering do vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV SX TM Ngọc Tú MP Catering tại số 02A đường TC4, tổ 13, khu 3, Mỹ Phước, thị xã Bến Cát đã có hành vi phạm gồm: Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước. Với 2 hành vi vi phạm này Công ty TNHH MTV SX TM Ngọc Tú MP Catering bị xử 12 triệu đồng.

Cũng trong lần vi phạm này, Công ty TNHH Thương mại sản xuất xuất nhập khẩu An Catering tại thửa đất số 3265, Tờ bản đồ 19, Khu phố 1, Phường Thới Hoà, Thị xã Bến Cát bị xử phạt 20 triệu đồng vì loạt vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo đó, Công ty TNHH Thương mại sản xuất xuất nhập khẩu An Catering đã có 3 hành vi vi phạm gồm: Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng, không được che kín; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.

Ảnh minh họa 

Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm 

Theo Bộ Y tế, quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 650 người bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, điều trị, trong đó có 3 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023 thì trong 3 tháng qua, số người bị ngộ độc thực phẩm tăng 270%.

Phân tích nguyên nhân các vụ ngộ độc, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách. Cùng với đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm...

Cũng theo ôing Nguyễn Thanh Phong, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất rất đa dạng, khó kiểm soát; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhưng nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở thủ công, khó kiểm soát yêu cầu về an toàn thực phẩm (phương tiện, dụng cụ chế biến, bảo quản, thời gian vận chuyển...).

Những yếu tố then chốt phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, mặc dù bếp ăn tập thể thuộc trường hợp không cần phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo thực hiện các điều kiện quy định về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã yêu cầu các đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, giám sát; trong đó, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp...

Đồng thời, các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng.

Điều 14 của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2018, theo đó tại Điều 14, quy định:

Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;

b) Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm;

c) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang