Xuất khẩu da giày tiếp đà tăng trưởng sau thời gian dài trầm lắng vì dịch Covid-19

author 15:02 17/05/2022

(VietQ.vn) - 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giày dép của nước ta ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được đánh giá là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Theo số liệu do Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha (APICCAPS) vừa công bố trong Niên giám Da giày thế giới năm 2021, Việt Nam chiếm 10% thị phần giày xuất khẩu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu da giày.

Thị phần của Việt Nam đã tăng từ 2% lên 10,2% trong thập kỷ qua. Tổng cộng, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020 và đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu da giày.

Bộ Công Thương nhận định, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Điển hình, giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam.

 Xuất khẩu da giày tăng trưởng sau thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA.

Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.

Do đó, mục tiêu năm 2022 tăng trưởng toàn ngành sẽ từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD là con số khả thi.

TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang,… là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giầy lớn trong các khu công nghiệp, chiếm gần 70% sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong số các địa phương xuất khẩu da giày lớn của Việt Nam, Đồng Nai là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu giày dép cao nhất cả nước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hiện giày dép sản xuất tại Đồng Nai đã xuất vào hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và là ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh có kim ngạch lớn nhất.

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Đồng Nai đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, có 2 thị trường tăng nhập khẩu giày dép từ Đồng Nai là Hoa Kỳ và Bỉ.

Cụ thể, xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2022 là 747 triệu USD, chiếm gần một nửa giá trị xuất khẩu giày dép và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước đó. Thị trường Bỉ khoảng 260 triệu USD, tăng 49%.

Giày dép sản xuất trên địa bàn tỉnh này đa số làm theo đơn đặt hàng của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Nike, Adidas, Reebok, Puma… Theo một số doanh nghiệp sản xuất giày dép, đơn hàng nhận được cho năm 2022 khá dồi dào, hiện có công ty đã nhận đơn đặt hàng lớn đến hết quý 4/2022.   

Mặc dù có cơ hội gia tăng xuất khẩu giúp cải thiện tăng trưởng trong năm 2022, song điều khiến không ít doanh nghiệp da giày âu lo lắng là chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao, tạo rào cản lớn. Điều này có thể khiến nhà nhập khẩu dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí. Trong khi đó, giá các đơn hàng xuất khẩu năm nay không tăng dù khách hàng có hỗ trợ một phần chi phí thì đây vẫn là "bài toàn" khó cho các DN.

Đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp da giày trong nước phục hồi, Chính phủ và các Bộ, ngành sớm đưa vào thực hiện gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế có quy mô 350.000 tỷ đồng, cải thiện các thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ dễ dàng hơn; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang