Xuất khẩu hạt điều tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19

author 06:53 11/12/2020

(VietQ.vn) - Trong tháng 11/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 310 triệu USD

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 11/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 310 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 11 tháng đầu năm 2020 đạt 468 nghìn tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 13,2% về khối lượng nhưng giảm 1,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là ba thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 32,3%, 14,5% và 12,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật tăng 62,1%, ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Tây Ban Nha giảm 33,3%.

 Xuất khẩu hạt điều tiếp tục tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2020 đạt 6.290 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 11/2020 ước đạt 73 nghìn tấn với giá trị đạt 87 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1,27 triệu tấn và 1,56 tỷ USD, giảm 16,9% về khối lượng và giảm 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 10 năm 2020 là Bờ Biển Ngà, Campuchia và Gana. Giá trị hạt điều nhập khẩu từ 3 thị trường này trong 10 tháng đầu năm 2020 đều giảm so với cùng kỳ năm 2019, với mức giảm lần lượt là 28,5%, 8,4% và 24,6%.

Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu biến động tăng nhẹ trong tháng 10/2020. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước tăng từ 29.000 đ/kg lên 31.000 đ/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô giảm từ 32.000 đồng/kg xuống còn 30.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, khoảng 40% hạt điều vụ mới của Tanzania đã bán hết. Modambich sẽ quyết định số lượng xuất khẩu, chỉ sau khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường nội địa.

Trong khi đó, thời tiết sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định vụ thu hoạch còn lại của Indonesia. Thiếu hụt nguồn cung hạt điều thô là một cơ hội lớn cho các nhà đầu cơ.

Thị trường đang có nhu cầu vốn khổng lồ. Nhiều nhà đầu cơ mới sẽ cố gắng tận dụng cơ hội mới xuất hiện. Năm 2021 có thể trở thành một năm của sự cạnh tranh đối với cả điều thô cũng như điều nhân. Các nhà chế biến điều Ấn Độ đang bán ra trên thị trường nội địa với giá 4 USD/lb đối với điều W320. Bất kể lượng tiêu thụ cho lễ hội Diwali thế nào, người mua buôn đang cố hết sức để thu mua càng nhiều càng tốt do dự đoán mùa đông năm nay sẽ rất lạnh.

Đối với thị trường điều thô, trong tuần đầu tiên của tháng 11 các giao dịch có xu hướng chậm lại vì một số nhà thương mại điều thô đã bán hết lượng hàng trúng thầu từ đầu tháng 10/2020.

Chính phủ Tanzania đã hủy một số phiên đấu giá do giá chưa đạt như họ kỳ vọng. Tính đến hết ngày 3 tháng 11/2020 đã có khoảng 87.521 tấn điều thô của Tanzania đã được bán ra trong các phiên đấu giá với mức giá dao động từ 1430-1500 USD/ tấn CNF HCM cho các nhà thương mại điều thô.

Thị trường điều nhân tương đối trầm lắng, một phần do lượng tồn kho lớn ở Hoa Kỳ và EU, ngoài ra còn bị sự tác động bởi làn sóng Covid -19 thứ 3 bùng phát mạnh những ngày gần đây.

Hiện nay các nhà nhập khẩu và các nhà rang chiên, siêu thị đang tập trung vào việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa đúng hạn và ổn định đến người tiêu dùng vì việc vận chuyển giao hàng bằng đường biển, đường bộ gặp nhiều khó khăn do phong tỏa gây ra.

Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tương đối tốt, các nhà nhập khẩu Trung Quốc mua điều nhân cả loại chất lượng loại 1 và loại 2. Giá giao dịch điều nhân (FOB HCM) giao động ở mức 6.283 đến 7.054 USD/tấn đối với mã W320, tùy từng nhà máy, mã W240 ở mức 7.385 đến 7.826 USD/tấn.

Dự báo, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ vẫn tiếp tục tăng, do nhu cầu phục vụ các dịp lễ tết cuối năm của các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc.

Bên cạnh đó giá điều nhân dự kiến có xu hướng tăng, vì lượng cung điều nhân ở Việt Nam không còn nhiều trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao không cân đối được với giá điều nhân, nên các nhà chế biến rất thận trọng trong việc nhập điều thô.

Nhờ tác động của hiệp định EVFTA, những sản phẩm chế biến sâu từ điều nhân đã được giảm thuế xuống còn 0%, trước khi hiệp định có hiệu lực điều chế biến của Việt Nam xuất sang thị trường EU vẫn phải chịu mức thuế từ 7% đến 12%. Nhờ đó dù chịu tác động đáng kể từ dịch bệnh nhưng sản lượng và giá trị xuất khẩu điều sang thị trường này sụt giảm không đáng kể.

Một chi tiết đáng chú ý là trong điều khoản của hiệp định EVFTA về quy tắc xuất xứ thuần túy đối với điều nhân xuất khẩu của Việt Nam (mã HS 0801), tức là 100% nguồn điều thô nguyên liệu có xuất xứ từ thị trường Việt Nam. Tuy vậy, với những sản phẩm điều chế biến sâu EVFTA không yêu cầu xuất xứ thuần túy.

Khi thuế suất nhập khẩu được xóa bỏ các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí, đồng thời giá bán tại thị trường nhập khẩu cũng sẽ được điều chỉnh, điều này sẽ thúc đẩy chuyển dịch nhu cầu từ các mặt hàng điều thuộc các quốc gia không được ưu đãi về thuế sang điều Việt Nam.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang