Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc: Coi trọng nguồn gốc và chất lượng

author 09:12 02/03/2019

(VietQ.vn) - Rất nhiều quy định mới đặt ra cho rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc có hiệu lực từ đầu năm 2019 đòi hỏi nông sản Việt Nam phải đi bằng chính ngạch.

Tại hội thảo Cập nhật thông tin thị trường và các chính sách xuất khẩu sản phẩm nông sản (trái cây, rau quả) sang thị trường Trung Quốc do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công thương tổ chức ngày 1/3 tại TP.HCM, ý kiến từ các đại diện đều cho rằng, việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc không còn dễ dàng như từ trước đến nay.

Theo yêu cầu mới từ phía Trung Quốc, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải truy xuất được nguồn gốc.

Theo đại diện Cục XTTM, từ ngày 1/1/2019, trái cây, rau quả xuất khẩu sang thị trường này bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật.

Chẳng hạn, từ đầu năm nay các cơ quan hải quan Trung Quốc phải kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoa quả nhập từ Việt Nam. Trong giấy phải ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng kí hay chưa, hàng hóa có phải có nguồn gốc từ các nhà vườn hay cơ sở đóng gói đã đăng kí với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận, nếu phù hợp với yêu cầu thì mới cho phép tiến hành kiểm dịch. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng kí thì không được phép nhập vào Trung Quốc.

Các cơ quan hải quan tiến hành kiểm dịch hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam phải xác nhận hoa quả có nguồn gốc từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng ký phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, trong đó phần phụ lục có ghi rõ tên hoặc mã số của cơ sở đóng gói đã được đăng ký.

Các doanh nghiệp của Trung Quốc nhập khẩu rau quả của Việt Nam mà xuất nhập khẩu qua Cục kiểm dịch xuất nhập khẩu Quảng Tây, khi xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập cảnh” cần phải cung cấp “Hình ảnh chụp bao bì có chứa những thông tin truy xuất chất lượng hoa quả”.

Theo ông Trần Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/5 tới, các xe chở trái cây dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Tất cả các vật dụng bằng gỗ, kể cả bao bì máy móc đều phải có giấy chứng nhận khử trùng.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, đối với sản phẩm trái cây và rau quả, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng tìm hiểu mùa vụ tại Trung Quốc để trồng các mặt hàng rau quả phù hợp và không trùng đúng mùa vụ của họ, tránh trường hợp được mùa mất giá.

Hiện có 8 loại trái cây đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm. Hiện Việt Nam đang đàm phán đề nghị phía Trung Quốc mở cửa thị trường đối với sầu riêng, bưởi, chanh leo, dừa, na, roi, măng cụt, khoai lang và bơ.

Trong đó, Việt Nam đã gửi hồ sơ của các loại trái và sầu riêng, bưởi và na. Riêng trái măng cụt đã thống nhất quy trình, chỉ chờ ký thỏa thuận về kiểm dịch thực vật là sẽ được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản với kim ngạch nhập khẩu nông sản tăng bình quân 8,8%/năm, chiếm khoảng 10% toàn cầu. Đây cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng gạo, cao su, trái cây, cá tra… của Việt Nam. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2018, Trung Quốc chiếm tới hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam.

Gần 7.200 doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ(VietQ.vn) - Tổng cục Hải quan ghi nhận trong năm 2018, có gần 7,2 nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa ra thị trường lớn nhất thế giới này, tăng 7,6% so với năm 2017.

 

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang