Xuất khẩu sụt giảm lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008/2009

author 05:58 20/07/2020

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh bởi dịch Covid-19, nửa đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ, đây là sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009.

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tăng cao

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu trong tháng 6/2020 sang các thị trường đã có diễn biến tích cực hơn so với tháng 5 khi dịch bệnh Covid-19 đang từng bước được khống chế ở nhiều nước trên thế giới.

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 

Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, đạt 121,21 tỷ USD.

Đáng chú ý, kết quả xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, đặt trong tương quan kim ngạch xuất khẩu của cả nước và kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có tăng trưởng âm, lần lượt là 1,1% và 6,7%.

Kết quả này đã cho thấy, động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xu hướng này đã bắt đầu từ 1-2 năm gần đây, đặc biệt là 2019 khi mà xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và cao hơn tăng trưởng chung của cả nước.

Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2019.

Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm

Bộ Công Thương cho biết, việc Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh và các nước châu Âu, Mỹ dần mở cửa trở lại từ cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020 khiến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam đang phục hồi khá nhanh trở lại.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi.  

Bên cạnh đó, ngày 8/6/2020, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...

 
Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore có Hiệp định thương mại tự do với EU. Việc giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các đối thủ khác như Trung Quốc và các nước khác trong khối ASEAN. Như vậy, giai đoạn hậu dịch Covid-19 tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
 

Bộ Công Thương cho biết, năm 2019, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, các công ty đa quốc gia đã rục rịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên liệu. Sang đến năm 2020, dịch Covid-19 được xem như một cú hích cho làn sóng này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, việc kiềm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng xuất khẩu và tiềm năng thị trường, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng kết nối, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai các hoạt động phổ biến thông tin về hiệp định, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Bộ Công Thương cho biết, trong những tháng cuối năm, vẫn còn những yếu tố khó khăn, cản trở đà tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới cập nhật tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm 2020, giảm 1,9 điểm phần trăm so với dự báo của tháng 4/2020, do dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.

Hơn nữa, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Những lo ngại bắt đầu xuất hiện trở lại ở châu Á, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như Trung Quốc, Hàn Quốc, trong khi số lượng bệnh nhân tăng mạnh tại Ấn Độ.

Trước tình hình làn song thứ hai của dịch Covid-19 có thể quay trở lại, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như chính quyền thành phố Bắc Kinh và một số địa phương đã tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn.

Chính quyền Quảng Tây đang thực hiện nghiêm chế độ quản lý hàng hóa tại các chợ, siêu thị. Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm.

Ngoài ra, chính quyền thành phố Đông Hưng, nơi có chung đường biên giới với Móng Cái (Quảng Ninh) gần đây cũng tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng sản phẩm đối với thủy sản và các loại thịt tại chợ, siêu thị và khách sạn trên địa bàn.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, doanh nghiệp cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang