Xuất khẩu tăng 15,4% - điểm sáng tích cực của nền kinh tế trong 9 tháng 2024
Ngày 6/10/2024, tại buổi Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2024 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê cho biết, một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, 9 tháng năm 2024 là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 299,6 tỷ USD, tăng 15,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với 9 tháng năm các năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 278,8 tỷ USD, tăng 17,3%, phản ánh tín hiệu tốt hoạt động sản xuất trong nước phục hồi so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 giảm 13,9%).
Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD, đây là mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn (2020-2024).
Xuất khẩu tăng 15,4% - điểm sáng tích cực của nền kinh tế trong 9 tháng 2024. Hình: GSO
Khu vực kinh tế nước ngoài duy trì vai trò dẫn dắt với tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng năm 2024 lần lượt đạt 72,1% và 63,8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,4%; nhập khẩu tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước phục hồi khá, với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 tăng 20,7% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức tăng chung 5,4 điểm phần trăm (tăng chung 15,4%) và cao hơn 7,3 điểm phần trăm mức tăng của khu vực kinh tế nước ngoài (13,4%). Kim ngạch nhập khẩu tăng 18,8% so với cùng kỳ 2023, cao hơn 1,4 điểm phần trăm mức tăng chung (17,3%) và cao hơn 2,2 điểm phần trăm mức tăng của khu vực đầu tư nước ngoài (16,5%).
Trong tổng số 45 mặt hàng xuất khẩu chính, tính chung 9 tháng năm 2024 có đến 38/45 (đạt 84,4%) nhóm hàng tăng so với cùng kỳ năm 2023, chiếm đến 92,9% tổng trị giá mặt hàng xuất khẩu. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 27,4%; điện thoại các loại và linh kiện 7,2%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng 22,1%.
Một số mặt hàng xuất khẩu nông lâm sản có lợi thế của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2023, như: cà phê tăng 37,8%; thủy sản 9,5%; rau quả tăng 33,9%; gạo tăng 23%,...
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ gia công, sản xuất một số mặt hàng chủ lực tăng cao, như: hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng 25,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 16,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,9%... sợi dệt tăng 24,7%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 18,3%; vải tăng 14,3%; bông tăng 2,3%...
Hầu hết các thị trường chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước,, như: Trung Quốc tăng 1,0%; Hoa Kỳ tăng 24,7%; Thị trường EU tăng 17%
Tổng cục Thống kê khẳng định, có được kết quả như trên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó phản ánh xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam tăng, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian tới cần nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đồng thời, tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.
Lê Kim Liên