Xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường ngách, hạn chế tác động của đại dịch

author 19:04 23/09/2021

(VietQ.vn) - Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường ngách như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Mexico đang gia tăng mạnh mẽ.

Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Canada, Australia giảm từ 35-45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường ngách lại tăng trưởng đội biến. Đáng chú ý, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico tăng 72%, Phillipines tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%. 

Tại thị trường Mexico, sản phẩm xuất khẩu chính sang thị trường này là cá tra và cá ngừ. Trong tháng 8, thuỷ sản sang Mexico đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường ngách tăng mạnh. (Ảnh minh hoạ)

Tại thị trường Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Tây Ban Nha trong tháng 8 đạt 8,2 triệu USD, tăng 48% (nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 37%, tăng 111% đạt trên 3 triệu USD). Còn xuất cá ngừ chiếm 39%, đạt 3,2 triệu USD, tăng 30%. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD, tăng 17%.

Với thị trường Bồ Đào Nha, luỹ kế 8 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 13% đạt gần 30 triệu USD. Trong đó, xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt gần 11,5 triệu USD, tăng 22%.

VASEP cho biết, nguyên nhân khiến doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngách là vì Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung ứng, gây khó khăn về logistic và cước vận chuyển cao, ảnh hưởng nhiều hơn đến các thị trường lớn. Để giảm bớt khó khăn trong xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã chọn thị trường ngách để tăng trưởng và hạn chế tác động sụt giảm xuất khẩu trong thời gian tới.

Hiện nay, các thị trường ngách về xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chiếm khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu, 90% còn lại xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc,v.v... Đối với tình hình xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong 3 tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp đứng trước guy cơ bị khách hàng hủy đơn hàng, thậm chí chuyển sang mua hàng ở nước khác nếu tiếp tục chậm trả hàng.

"Vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú chia sẻ, Minh Phú có khách hàng ở hơn 50 quốc gia, doanh thu xuất khẩu thủy sản hàng năm đạt hơn 10.000 tỉ đồng. Việc thiếu nguồn cung nguyên liệu và nhân lực sản xuất hạn chế khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, hiện tại, nhiều khách hàng trên khắp thế giới đang yêu cầu Minh Phú cung cấp đơn hàng đã ký để họ kịp bán trong dịp Noel. Trong trường hợp không giao được hàng, họ sẽ bỏ sang mua của Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải tới 3-5 năm nữa mới có thể khôi phục lại, thậm chí là mất luôn mà không khôi phục lại được.

Còn ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam miền Trung cho biết, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu bởi đứt gãy logistics. Hơn nữa, người nuôi cũng không dám thả nuôi tiếp bởi sợ ùn ứ sản phẩm do giãn cách xã hội, giá sản phẩm thủy sản đang giảm mạnh đến 50%. Nghịch lý căng thẳng là trong khi nông dân không bán được sản phẩm thì doanh nghiệp lại "đói" nguyên liệu sản xuất. 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng chia sẻ, hoạt động theo “3 tại chỗ” đã phát sinh rất nhiều chi phí, nếu tiếp tục kéo dài doanh nghiệp sẽ khó cầm cự, nếu không duy trì sản xuất ổn định, nguy cơ bị mất đơn hàng là rất lớn. 

Theo VASEP, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8/2021 đã giảm hơn 100 đơn vị so với tháng 7/2021 và giảm 150 doanh nghiệp so cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định, nguồn nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn và quyết định giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, quy định giãn cách và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nên doanh nghiệp không thể huy động được nguồn nguyên liệu, nguyên liệu bị ùn ứ nên giá giảm, người dân không tiếp tục thả nuôi.

Đối với cá tra, hiện có 7 tỉnh chủ lực nuôi, chế biến xuất khẩu, nhưng quy định của các địa phương cũng khiến các đội bắt cá (công đoàn) không di chuyển được giữa các tỉnh để thực hiện vì có các địa phương sẽ bắt buộc cách ly 14 ngày, dẫn đến nguyên liệu bị đứt gãy.

Theo dự kiến nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng (tôm, cá tra…) sẽ thiếu từ 20-30%, giá nguyên liệu tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm khi mà nhiều nhà máy bắt đầu phục hồi sản xuất. 

Nguyên liệu khai thác biển cũng giảm mạnh do ngư dân giảm đáng kể việc đi biển đánh bắt, các cảng cá cũng giới hạn hoặc một số ngưng hoạt động. Dự kiến nguồn nguyên liệu khai thác trong nước giảm 30-40%, chỉ cung cấp được khoảng 40-60% nhu cầu sản xuất xuất khẩu, khiến giá nguyên liệu tăng 20-30%.

"Hiện nay, các doanh nghiệp phải nhập khẩu 40-60% nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng 30-40% vì đang thiếu hụt” - ông Nguyễn Hoài Nam nói thêm.

Ngoài các kiến nghị như tiêm phòng vaccine cho lao động, tạo thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, kết nối nhân lực lao động, VASEP cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cần dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Hiện nay, các quyết nghị tại Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2021 về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt, thúc đẩy cho phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp và Bộ NNPTNT chưa có nhiều vai trò trong nghị quyết. 

VASEP đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát, sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT theo hướng phân định rõ hoạt động kiểm dịch (đối với con giống, còn sống, tươi, ướp đá) và kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu (đối với các sản phẩm chế biến dùng làm thực phẩm đã qua đông lạnh, khô, đồ hộp, bao gói, ướp muối). Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hỗ trợ điện tử hóa (online) quy trình cấp các giấy tờ phục vụ xuất nhập khẩu cũng như có công thư đề nghị Châu Âu (EU) chấp thuận bản scan của giấy tờ này, như giấy H/C mà Bộ NN&PTNT đã triển khai trong 2 tháng 7 và 8/2021 đối với giấy chứng nhận khai thác C/C, S/C (Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá).

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang