Xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA

author 11:07 03/09/2022

(VietQ.vn) - Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020 và sau đó được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 đến nay, các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút FDI từ Đức - đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam nói riêng đã và đang được triển khai.

Tóm tắt: Trong bối cảnh cạnh tranh trong thu hút đầu tư diễn ra mạnh mẽ giữa các nước trên thế giới, các hoạt động xúc tiến đầu tư đóng vai trò ngày càng quan trọng. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020 và sau đó được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 đến nay, các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút FDI từ Đức - đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam nói riêng đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, để tận dụng được những lợi thế của các hiệp định trên trong thu hút FDI từ Đức, việc nghiên cứu về hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay và đề xuất một số kiến nghị để đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới là hết sức cần thiết.

Xuất phát từ lý do trên, nghiên cứu này đi sâu phân tích thực trạng các hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm: Marketing; Cung cấp thông tin; Hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động; Hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư, đồng thời đề xuất một số kiến nghị cho việc triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

1. Lời mở đầu

Trong số các nước châu Âu, Đức là nước có vị trí quan trọng trong quan hệ hợp tác với Việt Nam. Theo AHK (2021), quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức (được thiết lập từ năm 2011 sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Angela Merkel) đã đóng góp vào sự thành công ở nhiều khía cạnh trong đó có hoạt động đầu tư giữa hai nước. Theo tổ chức này, tới năm 2021, đã có khoảng 500 công ty của Đức đang đầu tư tại Việt Nam, góp phần tạo thu nhập cho hơn 47.000 người lao động.

Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020 và sau đó được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 đã tạo thêm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động hợp tác về đầu tư và thương mại giữa EU và Việt Nam nói chung, Đức và Việt Nam nói riêng. EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 và EVIPA trong thời gian sắp tới đã và sẽ góp phần mở ra và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư.

Theo AHK (2021), Đức đứng thứ 3 trong các nước EU về số lượng các dự án FDI vào Việt Nam. Ảnh minh họa. 

Theo AHK (2021), Đức đứng thứ 3 trong các nước EU về số lượng các dự án FDI vào Việt Nam. Hình 1 cho thấy số lượng các dự án FDI từ Đức vào Việt Nam có hiệu lực tính tới tháng 12 các năm trong giai đoạn từ 2013 tới 2020 và 8 tháng đầu năm 2021 đã tăng lên tương đối đều kể cả trong giai đoạn Covid-19. Nếu năm 2013 mới chỉ có 215 dự án còn hiệu lực thì tới năm 2018 đã tăng lên tới trên 318 dự án vào 2018, 379 dự án vào 2020 và tới 405 dự án trong 8 tháng đầu năm 2021.

Giá trị dòng FDI từ Đức vào Việt Nam đã tăng gần gấp 2 từ 1.160,98 triệu USD năm 2013 tới 2.218,19 triệu USD năm 2020 và đạt 2.254,66 triệu USD vào 8 tháng đầu năm 2021. Dự án FDI trị giá 40 triệu USD từ tập đoàn Kurz (tại tỉnh Bình Định) và dự án trị giá 60 triệu USD từ tập đoàn Tesa (tại tỉnh Hải Phòng) theo đánh giá của AHK (2021) đã mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19 giữa Việt Nam và Đức.

Hình 1: Số lượng các dự án FDI từ Đức vào Việt Nam còn hiệu lực tính tới tháng 12 của mỗi năm.

Nguồn: Tổng cục thống kê (theo nguồn từ AHK - 2021) 

Trong bối cảnh cạnh tranh trong hoạt động thu hút FDI ngày càng tăng giữa các nước tiếp nhận vốn trên thế giới, mặc dù Việt Nam được các nhà đầu tư Đức nhận định là một điểm đến lý tưởng với nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh, nhưng các hoạt động xúc tiến đầu tư là vô cùng cần thiết. Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài khác nhau. Đã có một số bài viết đề cập đến tình hình xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước trên thế giới và Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA nói riêng hoặc tình hình xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nói chung tiêu biểu như bài viết của Tuệ Minh (2022) với chủ đề “Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin tưởng EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh tại Việt Nam”, Thu Trang (2022) với chủ đề “Việt Nam cần làm gì để thu hút FDI từ Đức?”, Diệu Linh và Văn Linh (2022) về ‘‘Tăng cường xúc tiến đầu tư nước ngoài từ Australia vào Việt Nam”, Viễn Thông và Phương Ánh (2022) về “Việt Nam thu hút hơn 14 tỷ USD vốn FDI nửa đầu năm’’. Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu đề cập tổng thể về hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA.

Do đó, với những tiềm năng không nhỏ mà EVFTA và EVIPA có thể mang lại trong thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam, việc nghiên cứu về thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức vào Việt Nam nhằm đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút dòng vốn này trong thời gian tới là vô cùng cần thiết. Trong các nội dung tiếp theo, các tác giả sẽ làm rõ khía cạnh về xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA, đồng thời đưa ra kết luận và đề xuất một số kiến nghị đối với các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm thu hút FDI từ Đức vào Việt Nam trong thời gian tới.

2. Khái quát về xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nhận thức được vai trò quan trọng của FDI đối với nền kinh tế quốc gia, các nước trên thế giới đã và đang nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ các biện pháp khác nhau để thu hút dòng vốn này. Với vai trò là các hoạt động thuộc nhóm các nhân tố tạo thuận lợi cho kinh doanh (Business facilitation) - một trong 3 nhóm nhân tố có ảnh hưởng tới FDI (theo phân loại của UNCTAD, 1998), các hoạt động xúc tiến đầu tư đang được các nước hết sức lưu ý và đẩy mạnh.

Theo phân loại của Hiệp hội các cơ quan xúc tiến đầu tư thế giới (WAIPA) (2020), các hoạt động xúc tiến đầu tư được chia thành 4 nhóm cụ thể như sau:

(i) Marketing (nhằm xây dựng hình ảnh cho các nước tiếp nhận vốn nói chung hoặc các lĩnh vực nhất định; các dịch vụ này có thể bao gồm quảng cáo, hỗ trợ tham dự các sự kiện kinh doanh, phát triển quan hệ cộng đồng/truyền thông và mạng lưới, tiếp cận 1-1 các nhà đầu tư);

(ii) Cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định đầu tư, thâm nhập và thành lập, triển khai hoạt động và kết nối với các nhà cung cấp trong nước;

(iii) Hỗ trợ các nhà đầu tư đạt được thành công trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động (bao gồm duy trì ổn định hoạt động đầu tư, quản lý xung đột, hỗ trợ mở rộng kinh doanh và giới thiệu với các nhà cung cấp);

(iv) Hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư bằng cách cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, xác định những rào cản và hỗ trợ xây dựng và thực hiện các giải pháp cho những người ra quyết định và có lợi ích liên quan.

Nghiên cứu này sẽ sử dụng phân loại của WAIPA (2020) để phân tích thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA.

3. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA

Hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam có sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó ở cấp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối quản lý các hoạt động liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài là cơ quan được giao thực hiện quản lý các hoạt động liên quan tới xúc tiến đầu tư. Theo Quyết định số 1895/QĐ-BKHĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Quyết định số 792/QĐ-BKHĐT ngày 21/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài là đơn vị thực hiện quản lý xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước; chủ trì tổng hợp, xây dựng, triển khai và điều phối Chương trình xúc tiến đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; chủ trì tổng hợp, xây dựng, triển khai, điều phối và giám sát việc thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; chủ trì xây dựng định hướng chính sách thu hút đầu tư và chiến lược xúc tiến đầu tư; quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam; tổ chức hội nghị, hội thảo và chương trình vận động xúc tiến đầu tư; tổ chức tập huấn đào tạo về công tác xúc tiến đầu tư; hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư; hợp tác quốc tế liên quan đến xúc tiến đầu tư và các hoạt động khác.

Cục Đầu tư nước ngoài có các đơn vị chuyên trách về xúc tiến đầu tư như: Phòng Xúc tiến đầu tư; Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc; Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (được sáp nhập từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung và Trung tâm Xúc tiến phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài theo Quyết định số 792/QĐ-BKHĐT ngày 21/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2021).

Bên cạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị khác ở các cơ quan ban ngành các cấp, các tổ chức cũng triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và của Đức vào Việt Nam nói riêng. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA cụ thể ở các khía cạnh như sau:

3.1. Marketing

Hoạt động Marketing được đánh giá các nhóm hoạt động có vai trò quan trọng trong xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như được đề cập ở phần 2, theo WAIPA (2020), hoạt động marketing bao gồm các hoạt động xây dựng hình ảnh, có thể bao gồm quảng cáo, hỗ trợ tham dự các sự kiện kinh doanh, phát triển quan hệ cộng đồng/truyền thông và mạng lưới, tiếp cận 1-1 các nhà đầu tư. Các hoạt động marketing trong xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA thực tế mới tập trung vào tổ chức các hội thảo về xúc tiến. Một số hội thảo tiêu biểu đã được triển khai có thể kể đến như:

Hội thảo trực tuyến về xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức (tổ chức ngày 15 và 16/10/2020): Theo Bộ Công thương (2020), Hội nghị trực tuyến về xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức là hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức tổ chức vào ngày 15 và 16/10/2020. Tại Hội nghị, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức đánh giá cao các cơ hội từ EVFTA và EVIPA. Theo ông, các hiệp định này đã trở thành nội hàm quan trọng đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất.

Theo ông Nguyễn Minh Vũ - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức, đã có nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức quan tâm và mong muốn xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác. Ông Phạm Trường Giang, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Frankfurt (Đức) cũng chỉ ra rằng đặc biệt từ khi EVFTA và EVIPA có hiệu lực, Đức đã rất quan tâm, nỗ lực đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp hai bên, trong đó có Hiệp hội Phát triển kinh tế và Ngoại thương toàn cầu của Đức (BWA), Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức đã có phát biểu chia sẻ về các kinh nghiệm, cơ hội và thách thức do EVFTA mang lại, trong đó nhấn mạnh những yếu tố thuận lợi để các doanh nghiệp hai bên có thể mở rộng hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào hai nước. Hội nghị đã mang lại những cơ hội kết nối cho những doanh nghiệp Việt Nam và Đức trong tương lai.

Ở cấp độ địa phương, các tỉnh thành của Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức với chủ đề “Hậu Covid - Doanh nghiệp trong trạng thái Bình thường mới - Tiềm năng đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Bình Dương” được tổ chức vào tháng 3 năm 2022 do UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC (theo Trịnh Bình, 2022). Hội nghị trực tuyến tại hai điểm cầu: Điểm cầu tại CHLB Đức có ông Vũ Quang Minh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức; ông Ludwig Graf Westarp, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức (BVMW) và một số doanh nghiệp Đức. Điểm cầu Bình Dương có Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương Lê Phú Hòa; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC.

Mục đích của hội nghị là tạo điều kiện hợp tác, kết nối cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của Đức và tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, hội nghị cũng hướng tới thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp của Đức có thế mạnh như cơ khí ô tô, công nghệ điện tử, nông nghiệp, công nghệ cao...

Như vậy, trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA, các hoạt động marketing mới chủ yếu tập trung ở việc tổ chức các hội nghị xúc tiến. Tuy nhiên, số lượng các hội nghị, hội thảo còn chưa nhiều.

3.2. Cung cấp thông tin

Việc cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định đầu tư, thâm nhập và thành lập, triển khai hoạt động và kết nối với các nhà cung cấp trong nước cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc thu hút FDI từ các nước, trong đó có Đức. Việt Nam đã xây dựng, duy trì và đẩy mạnh các kênh cung cấp thông tin khác nhau cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên tập trung ở góc độ cung cấp cho các nước trên thế giới nói chung, chưa dành riêng cho các nhà đầu tư Đức.

Cổng thông tin quốc gia về đầu tư

Cổng thông tin quốc gia về đầu tư có tên miền Vietnaminvest.gov.vn cung cấp cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Đức nói riêng nhiều thông tin hữu ích và quan trọng như sau:

- Thông tin về dịch vụ công (trong đó có dịch vụ công liên quan tới đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và xúc tiến đầu tư) (Kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia).

- Thông tin về các văn bản pháp luật như Luật, Nghị định, Thông tư...

- Thông tin tra cứu về các dự án đầu tư.

- Các tin tức, sự kiện cập nhật.

Hình 2: Giao diện Cổng thông tin quốc gia về đầu tư

Nguồn: https://vietnaminvest.gov.vn/SitePages/home.aspx 

Cổng thông tin quốc gia về đầu tư được xây dựng trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nhằm mục đích hỗ trợ nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu thông tin dự án đầu tư, thông tin doanh nghiệp, nhanh chóng tiếp cận các thông tin mới nhất về thay đổi, bổ sung các quy định trong đăng ký đầu tư kinh doanh.

Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư được quy định ở Điều 70 trong Luật đầu tư 2014 (Hình 2 mô tả giao diện Cổng thông tin quốc gia về đầu tư, Hình 3 mô tả Giao diện đăng nhập vào Hệ thống thông tin quốc gia về Xúc tiến đầu tư qua Cổng thông tin quốc gia về đầu tư).

Hình 3: Giao diện đăng nhập vào Hệ thống thông tin quốc gia về Xúc tiến đầu tư qua Cổng thông tin quốc gia về đầu tư

Nguồn: https://xtdt.vietnaminvest.gov.vn/#/login 

Website Invest Vietnam

Website Invest Vietnam (tên miền: investvietnam.gov.vn) do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Công Thương xây dựng. Trang web cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài những thông tin hữu ích về môi trường và cơ hội đầu tư vào Việt Nam như:

- Thông tin về các ngành công nghiệp.

- Thông tin về cơ hội đầu tư (như danh sách các dự án kêu gọi đầu tư, cơ hội M&A, cơ hội đầu tư và FTA, kết nối đầu tư...)

- Thông tin về địa điểm đầu tư (tại từng địa phương và khu công nghiệp).

- Hướng dẫn đầu tư (về thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp, các hình thức đầu tư khác...).

Thông tin trên trang web ngoài tiếng Việt và tiếng Anh còn có tiếng Nhật và tiếng Hàn Quốc. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc - vốn là những quốc gia có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam (Hình 4 mô tả giao diện trang web Invest Vietnam).

Hình 4: Giao diện trang web Invest Vietnam

Nguồn: http://investvietnam.gov.vn/en/investment-guide.hhdtl.html 

Sách hướng dẫn về xúc tiến đầu tư của Việt Nam

Để có cái nhìn tổng quan về môi trường đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) thuộc Bộ Công Thương (MOIT) đã phát hành cuốn “Hướng dẫn về Xúc tiến đầu tư của Việt Nam”. Cuốn sách này cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin khác nhau cụ thể như:

- Thông tin về môi trường đầu tư của Việt Nam (những lợi thế của Việt Nam, các chính sách đầu tư và thông tin thống kê về các chỉ số kinh tế, xã hội cơ bản của Việt Nam, số liệu về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam).

- Thông tin về các cơ hội đầu tư (tập trung vào các ngành Công nghiệp, Năng lượng, Hàng tiêu dùng, F&B).

- Hướng dẫn đầu tư (các văn bản, quy trình thủ tục đầu tư chung và các quy trình cụ thể khác).

- Các thông tin khác liên quan tới lao động và cư trú của người nước ngoài, thuế, chi phí, quản lý tài chính và hải quan; thông tin về các cơ quan ban ngành hỗ trợ và tư vấn đầu tư.

Ngoài các kênh cung cấp thông tin trên, còn có các kênh thông tin khác của các tổ chức, đơn vị xúc tiến ở các cấp khác nhau. Điều này giúp nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tiếp cận được các thông tin hiệu quả và nhanh chóng.

3.3. Hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động và hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư

Hoạt động hỗ trợ các nhà đầu tư đạt được thành công trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động (bao gồm duy trì ổn định hoạt động đầu tư, quản lý xung đột, hỗ trợ mở rộng kinh doanh và giới thiệu với các nhà cung cấp) cũng có vai trò nhất định trong công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước. Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ khác nhau đặc biệt là cung cấp thông tin và tư vấn cho các nhà đầu tư, tuy nhiên chưa có nhiều hoạt động dành riêng cho các nhà đầu tư Đức.

Theo WAIPA (2020), hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư bao gồm cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư, xác định những rào cản và hỗ trợ xây dựng và thực hiện các giải pháp cho những người ra quyết định và có lợi ích liên quan. Việt Nam trên thực tế đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA, để tận dụng được lợi thế mà các hiệp định này mang lại nhằm thu hút các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư từ Đức nói riêng hơn nữa, việc cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư lại càng quan trọng.

Trong thời gian từ 2020 với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ Đức đã gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI như: hỗ trợ về vốn, giảm giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh; gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; doanh nghiệp được vay tiền để trả lương ngừng việc cho người lao động... Điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Việt Nam cũng đã sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, như: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đầu tư hứa hẹn những dòng vốn đầu tư FDI từ Đức vào nước ta trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA trong tương lai.

4. Kết luận và kiến nghị

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn ngày 12/2/2020, sau đó được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 8/6/2020 đến nay, các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút FDI từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu nói chung và Đức nói riêng đã và đang được triển khai.

Trên cơ sở phân tích ở các nội dung trên, có thể thấy các hoạt động xúc tiến đầu tư bao gồm: Cung cấp thông tin; Hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động; và Hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư, mang tính chất chung cho các nhà đầu tư, mà chưa dành riêng cho các nhà đầu tư Đức.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư thuộc nhóm hoạt động marketing dành cho các nhà đầu tư Đức cũng đã được triển khai tuy nhiên mới chỉ tập trung ở việc tổ chức một số các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư. Xuất phát từ lý do trên, để thu hút được nhiều hơn nữa FDI từ Đức - đối tác chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA trong thời gian tới, các tác giả đề xuất một số nội dung sau:

- Đối với hoạt động xúc tiến đầu tư chung: Cân nhắc xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Đức. GS. TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia Viện FNF cho rằng, muốn tiếp cận thành công thị trường Đức và EU, Việt Nam cần định rõ chiến lược xúc tiến đầu tư trên diện rộng với lộ trình cụ thể (Cục đầu tư nước ngoài, 2020).

- Đối với hoạt động marketing: Tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình kết nối, chia sẻ, giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư của Đức ở các cấp từ Trung ương đến địa phương - đặc biệt là các địa phương có các thế mạnh về các ngành mà các nhà đầu tư Đức quan tâm; thiết lập các kết nối với các đầu mối lớn tại Đức để tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp tại Đức. Qua các hoạt động này, cần nhấn mạnh tới việc xây dựng hình ảnh của Việt Nam là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.

- Đối với hoạt động cung cấp thông tin: Bên cạnh các cổng thông tin, website và sách hướng dẫn chung cho các nhà đầu tư, có thể phát triển hơn nữa các kênh cung cấp thông tin dành riêng cho các nhà đầu tư Đức của Việt Nam. Mặc dù hiện nay, các nhà đầu tư Đức tiếp cận thông tin về thị trường Việt Nam qua các kênh từ Đại sứ quán của Đức tại Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, hay Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức.., nhưng cũng cần có những kênh cung cấp thông tin từ phía các đơn vị, tổ chức của Việt Nam dành riêng cho các nhà đầu tư Đức. Các thông tin này mang tính chất riêng, phù hợp với sự quan tâm của các nhà đầu tư Đức, như thông tin về các ngành mà các nhà đầu tư có thế mạnh.

- Đối với hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định, thâm nhập, thành lập và hoạt động, hỗ trợ cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư: Cần đẩy mạnh tiếp nhận phản hồi của các nhà đầu tư nước ngoài từ Liên minh Châu Âu nói chung và từ Đức nói riêng để có thể hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả hơn, đồng thời cải thiện môi trường và hệ sinh thái đầu tư chung, đặc biệt trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA.

PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia

TS. Cao Thị Hồng Vinh, Nguyễn Thúy Hạnh, Vũ Hoàng Anh Minh - Trường Đại học Ngoại thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang