Quan hệ kinh tế Việt Nam - CHLB Đức trong bối cảnh triển khai EVFTA

author 08:14 27/08/2022

(VietQ.vn) - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). EVFTA được ký kết vào ngày 30/06/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, việc thực thi EVFTA sẽ đem lại những cơ hội đặc biệt để tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên của EU, đặc biệt là CHLB Đức - một trong những thị trường EU quan trọng bậc nhất của xuất nhập khẩu Việt Nam.

1. Thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển giữa Việt Nam và CHLB Đức

Thương mại

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015), nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011, quan hệ thương mại hai chiều Đức - Việt Nam liên tục phát triển, hợp tác và bổ trợ lẫn nhau.

Từ năm 2001 đến 2018, xuất nhập khẩu Việt Nam với Đức tăng đều qua từng năm với tốc độ 14%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2019 xu hướng này giảm dần. Xuất khẩu Việt Nam sang Đức không ổn định và liên tục sụt giảm do thời gian gần đây phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh. So với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới và EU, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Đức cũng rất thấp. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ra thế giới 17,8% và EU là 13%.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam không chỉ ở Liên minh Châu Âu (EU) mà còn ở cả Châu Âu. Đức là thị trường chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở Châu Âu. Từ góc độ xuất khẩu, Đức là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 tại EU, thứ 7 thế giới của Việt Nam năm 2020. Về nhập khẩu, Đức là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 2 EU, thứ 14 thế giới của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, năm 2020, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, dòng dịch chuyển vốn đầu tư và nguồn nhân lực chất lượng cao giữa hai bên cũng ngày một tăng cao.

Đức là thị trường chiếm gần 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Ảnh minh họa. 

Việt Nam và Đức có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau là chủ yếu. Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm, và có nhu cầu cao với nhiều nguyên liệu và máy móc phục vụ sản xuất. Trong khi đó, Đức là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm.

Quan hệ thương mại hai nước có tín hiệu lạc quan hơn bắt đầu từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/08/2020. Sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam - Đức đảo chiều, tăng trưởng mạnh so với năm trước đó.

Sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - CHLB Đức (2011- 2021), thương mại song phương giữa hai bên đã tăng 80%, từ 5,6 tỷ USD năm 2011 lên 10 tỷ USD năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu từ Việt Nam sang Đức trong giai đoạn này cũng đạt mức tăng trưởng khoảng 11,5%/năm, mức tăng này vẫn còn thấp so với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới trong cùng giai đoạn (14,9%/năm).

Hai nước đều khẳng định kinh tế là trụ cột và là một trong những thành tựu nổi bật nhất của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, kết quả đạt được đến nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng phát triển. Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức hiện chỉ chiếm 1,83% trong tổng thương mại của Việt Nam, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 24,41% với Trung Quốc, 16,65% với Mỹ, 12,11% với Hàn Quốc...

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Liên bang Đức, năm 2019, thương mại hai chiều CHLB Đức - Việt Nam đã đạt gần 16 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2020, mặc dù kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều vẫn đạt 15,2 tỷ USD (giảm 3,6% so với cùng kỳ) tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức lại tăng 7,85% so với năm 2019, đạt 11,73 tỷ USD.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng đầu năm 2021, Đức tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, với tổng giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 4,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ, trong khi ở chiều nhập khẩu đạt 2,15 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2021, Đức là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch đạt 641,15 triệu USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,604 tỷ USD. Trong đó, hàng dệt, may đạt 409,394 triệu USD; giày dép các loại đạt 518,671 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 613,453 triệu USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt 1,502 tỷ USD.

Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA trong một năm qua để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức như máy móc và thiết bị tăng 83,6%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 71,6%, sắt thép tăng 53,2%, máy tính và điện tử tăng 34%, thủy sản tăng 15,5%.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có cơ hội lớn từ EVFTA bao gồm giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa, hoa quả và các loại hạt và một số sản phẩm nông sản khác như gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm...

Theo chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng được đánh giá là có lợi thế khi nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Đức nhờ EVFTA, đặc biệt là xe cộ, máy móc thiết bị điện, dược phẩm, các sản phẩm nhựa, sắt thép, nhiên liệu dầu khoáng, thịt động vật và gia cầm, sữa và các sản phẩm từ sữa, rượu bia và đồ uống...

Trong lĩnh vực đầu tư, là nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, CHLB Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á. Tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 422 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam12. Các dự án tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm.

Một số tập đoàn đa quốc gia của Cộng hòa liên bang Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như Daimler-Chrysler (sản xuất ôtô Mercedes-Benz), B.Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim), Siemens...

Khối lượng đầu tư từ Đức, trước hết là đầu tư trực tiếp, trong năm 2022 được dự báo cũng sẽ rất cao, thông qua việc nhiều nhà máy được mở rộng, xây mới cùng những khoản đầu tư lớn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã có 41 dự án đầu tư vào Đức với trị giá hơn 218 triệu USD.

Hợp tác phát triển

Cùng với thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển cũng là một thành tố quan trọng trong quan hệ hai nước. Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính, trong đó, các dự án hợp tác kỹ thuật được thực hiện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại. Trọng tâm của Đức trong các dự án hợp tác phát triển ở Việt Nam được thực hiện chủ yếu bởi hai tổ chức là Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đào tạo nghề, góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Gần đây, Đức đã hoàn tất việc xây dựng dự án Ngôi nhà Đức (Deutsches Haus Ho Chi Minh City), tiếp tục thực hiện dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh và các dự án về năng lượng tái tạo. Trong đó, dự án Ngôi nhà Đức là dự án trọng điểm của Đức tại Việt Nam và khu vực ASEAN, là biểu trưng cho mối quan hệ đối tác chiến lược và tình hữu nghị giữa hai nước.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD và đi vào hoạt động từ năm 2017, Ngôi nhà Đức là nơi tập trung các cơ quan của Đức như Tổng Lãnh sự, Phòng Thương mại và Công nghiệp, Viện Goethe và văn phòng của các doanh nghiệp Đức. Các dự án ODA của Đức đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

2. Những cam kết của Việt Nam và CHLB Đức về nhập khẩu hàng hóa trong EVFTA

Trong EVFTA, EU với 27 nước thành viên là một Bên thống nhất. Do đó, ngoại trừ một số ít các trường hợp có cam kết riêng cho từng nước thành viên EU (ví dụ về các chỉ dẫn địa lý, mở cửa thị trường mua sắm công, mở cửa thị trường dịch vụ đầu tư phía EU), tất cả các cam kết của EU trong EVFTA đều là cam kết thống nhất của tất cả các nước thành viên EU, trong đó có Đức.

Là một FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa cao, EVFTA tiến tới xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan và tiết giảm các rào cản phi thuế quan giữa Việt Nam với EU; trong đó có Đức. Từ đó mang tới kỳ vọng về một sự tăng trưởng đột phá trong quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Đức. Cụ thể, hiệp định sẽ dỡ bỏ 99,2% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Đức sau 7 năm và cũng xóa bỏ 98,3% số dòng thuế cho các sản phẩm của Đức nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sau 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

EVFTA cũng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động cho 39 sản phẩm của Việt Nam và 12 sản phẩm của Đức giúp các sản phẩm này gia tăng giá trị và thương hiệu khi tiếp cận thị trường mỗi bên. Ngoài ra, hiệp định cũng bao gồm rất nhiều cam kết khác về hải quan, vệ sinh dịch tễ, rào cản kỹ thuật, phòng vệ thương mại, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm công.... giúp thiết lập nên các tiêu chuẩn và nguyên tắc thuận lợi hóa thương mại, tạo điều kiện dễ dàng cho hàng hóa của Việt Nam và Đức tiếp cận thị trường của nhau.

Cam kết về thuế nhập khẩu

Tương tự như Việt Nam, trong EVFTA, EU có cam kết thuế quan nhập khẩu ưu đãi cụ thể cho từng dòng thuế, theo đó EU (trong đó có Đức) sẽ loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa Việt Nam ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020), số còn lại sẽ loại bỏ thuế quan theo lộ trình hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan.

Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Đức dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam như sau: Tại thời điểm 01/08/2020 khi EVFTA có hiệu lực: xoá bỏ thuế quan đối với 85,6% số dòng thuế; Đến thời điểm 01/01/2027, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 99,2% số dòng thuế; Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm của Việt Nam được áp dụng hạn ngạch trong EVFTA là: Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay đáp ứng yêu cầu đúng chủng loại; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; và mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.

Cơ chế phân bổ hạn ngạch cho Việt Nam theo EVFTA sẽ do EU quy định chung cho toàn lãnh thổ EU theo từng sản phẩm/nhóm sản phẩm cụ thể. Vì vậy sẽ không có hạn ngạch riêng cho thị trường Đức đối với bất kỳ sản phẩm nào. Cho tới trước EVFTA, EU chưa có FTA nào với Việt Nam.

Do đó về nguyên tắc hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Đức – thành viên EU phải chịu mức thuế MFN mà EU áp dụng cho các nước thành viên WTO. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, EU (trong đó có Đức) đã và đang duy trì cơ chế Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo cơ chế này, nhiều sản phẩm xuất khẩu đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày, thủy sản... thuộc diện GSP được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN khi nhập khẩu vào thị trường Đức (năm 2021, mức thuế MFN trung bình áp dụng của EU là 4,71%, còn thuế GSP trung bình là 2,35%)16. Tuy nhiên, EU có quy định về “ngưỡng trưởng thành” đối với các nước/các sản phẩm được hưởng GSP. Quy định này hiểu đơn giản là khi tổng thu nhập quốc gia hoặc kim ngạch xuất khẩu một loại hàng hóa nào đó của Việt Nam đạt đến một ngưỡng nhất định thì không được hưởng ưu đãi GSP nữa.

Cho đến thời điểm hiện tại, mức thuế GSP mà EU đơn phương dành cho Việt Nam ở mức tương đối thấp. Trong so sánh ở giai đoạn đầu thực hiện EVFTA, một số sản phẩm xuất khẩu có lộ trình xóa bỏ thuế quan dài (5-7 năm) nên thuế EVFTA áp dụng đối với các sản phẩm này có thể cao hơn so với thuế GSP hiện tại mà sản phẩm đó đang được hưởng.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trong EVFTA, EU cam kết xóa bỏ tới 85,6% dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 99,2% số dòng thuế được xóa bỏ sau 7 năm. Như vậy, đến cuối lộ trình gần như toàn bộ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang EU (trong đó có Đức) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế quan, trong khi GSP chỉ có ưu đãi với một số nhóm sản phẩm và mức ưu đãi không phải lúc nào cũng là 0%. Do đó, xét về lâu dài, so với thuế GSP thì thuế EVFTA sẽ có lợi hơn cho doanh nghiệp.

Theo quy định của EU về GSP khi có FTA, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng cơ chế GSP song song cùng EVFTA trong thời gian 02 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực (tức là đến hết 31/07/2022). Đồng thời, theo quy định trong EVFTA thì mức thuế ưu đãi EVFTA áp dụng đối với hàng hóa của Việt Nam sẽ không cao hơn các mức thuế mà EU áp dụng đối với hàng hóa đó tại thời điểm ngay trước khi EVFTA có hiệu lực.

Điều này có nghĩa là: Trong khoảng thời gian từ 01/08/2020 đến 31/07/2022: Doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng EVFTA hay GSP tùy thuộc vào thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào có lợi cho doanh nghiệp. Trường hợp chọn ưu đãi GSP thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ của GSP; trường hợp chọn ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA.

Kể từ ngày 01/08/2022: Cơ chế ưu đãi thuế quan GSP sẽ tự động chấm dứt, doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Tuy nhiên EVFTA cho phép trong trường hợp thuế EVFTA cao hơn thuế GSP thì vẫn được hưởng thuế GSP. Dù chọn mức thuế ưu đãi nào, sản phẩm phải đáp ứng quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ EVFTA. Đây là cam kết linh hoạt, rất có lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang EU do được đảm bảo rằng mức thuế EVFTA áp dụng sẽ luôn là mức thuế thấp hơn hoặc ít nhất là bằng mức thuế GSP tại thời điểm 01/08/2020.

Có thể thấy với các nhóm sản phẩm đang có thuế MFN hoặc GSP ở mức trung bình thấp thì sẽ được Đức xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (đối với tất cả hoặc phần lớn các dòng sản phẩm). Còn đối với các nhóm sản phẩm hiện vẫn đang duy trì mức thuế MFN và GSP cao thì khoảng phân nửa được xóa bỏ thuế ngay khi có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình (riêng một số sản phẩm quả và quả hạch thuộc Chương 08 chỉ xóa bỏ thuế %, vẫn giữ thuế tuyệt đối).

Như vậy, so với các mức thuế quan MFN và GSP mà Đức đang áp dụng thì thuế quan EVFTA đem lại các lợi thế lớn cho các nhóm sản phẩm xuất khẩu sau của Việt Nam: Giày dép (Chương 64), Quần áo (Chương 61,62), Thủy sản (Chương 3), Nhựa (Chương 39), Quả và quả hạch (Chương 08).

Cam kết về thuế xuất khẩu Khác với Việt Nam, EU cam kết loại bỏ hoàn toàn thuế xuất khẩu đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu sang Việt Nam. Do đó, sẽ không có loại hàng hóa nào từ Đức xuất khẩu sang Việt Nam theo EVFTA bị áp thuế xuất khẩu.

Cam kết thuế quan của Việt Nam cho hàng hóa của Đức

Cam kết về thuế quan của Việt Nam trong EVFTA bao gồm (i) cam kết về thuế nhập khẩu (áp dụng đối với hàng hóa EU nhập khẩu vào Việt Nam), và (ii) cam kết về thuế xuất khẩu (áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các nước EU). Cam kết về thuế nhập khẩu Trong Hiệp định EVFTA, Việt Nam đưa ra cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi cho từng loại hàng hóa (từng dòng thuế HS). Với mỗi hàng hóa, mức ưu đãi thuế quan được áp dụng thống nhất cho tất cả nước thành viên EU, trong đó có Đức.

Cụ thể, thuế quan ưu đãi EVFTA mà Việt Nam dành cho các sản phẩm nhập khẩu từ Đức như sau: Loại bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (01/08/2020) đối với 48,5% số dòng thuế; Sau 07 năm (hết ngày 31/12/2026), loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế; Sau 10 năm (hết ngày 31/12/2029), sẽ loại bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế; Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan (đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá...), hoặc không cam kết cắt giảm thuế quan (một số sản phẩm ô tô).

Trước EVFTA, Việt Nam và EU chưa có chung FTA nào. Do đó, hàng hóa của Đức nhập khẩu vào Việt Nam trước khi có EVFTA phải chịu mức thuế nhập khẩu chung (thuế MFN, áp dụng cho các nước thành viên WTO). Mức thuế nhập khẩu MFN của Việt Nam năm 2021 trung bình là 11,93%. Mức MFN cụ thể đối với từng mặt hàng cũng tương đối cao, thậm chí một số mặt hàng bị đánh thuế lên tới 135%. Với mức cam kết thuế quan trong EVFTA, hàng hóa của Đức nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Có thể thấy hơn phân nửa các sản phẩm này của Đức được Việt Nam xóa bỏ ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, còn lại là xóa bỏ theo lộ trình trừ một số sản phẩm thuộc Chương 87 không có cam kết về thuế quan. So với mức thuế MFN hiện hành mà Việt Nam đang áp dụng thì có thể thấy các nhóm hàng hóa của Đức được lợi đáng kể từ cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam trong EVFTA là: Xe cộ (Chương 87), Máy móc thiết bị điện (Chương 85), Các sản phẩm nhựa (Chương 39), Sắt thép (Chương 73), Nhiên liệu dầu khoáng (Chương 27).

3. Những thuận lợi, khó khăn

Thuận lợi

Đức là thị trường xuất khẩu chính tại khu vực châu Âu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như giày dép, quần áo, rau quả, thủy sản, cà phê, đồ gỗ... Dù đa phần những sản phẩm này chỉ chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Đức đang có xu hướng gia tăng, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã có được vị thế nhất định tại thị trường này.

Trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố thuận lợi như:

Số lượng người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức ngày càng tăng trong những năm gần đây. Lượng người tiêu dùng này có xu hướng sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á, trong đó có sản phẩm của Việt Nam;

Người tiêu dùng của Đức cũng ngày một cởi mở hơn trong việc sử dụng các sản phẩm châu Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng. Họ sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển nếu sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu sử dụng như đồ gỗ, may mặc, giày dép, cà phê, rau quả nhiệt đới...;

Các sản phẩm Việt có chất lượng ngày càng cao và đang dần chinh phục được các thị trường khó tính trong đó có thị trường EU nói chung và Đức nói riêng... Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã đầu tư bài bản và dài hạn cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa tiêu chuẩn cao để xuất khẩu đi các thị trường phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Việt Nam cũng đang chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành nhiều tiềm năng nhưng công nghệ còn lạc hậu như rau củ quả, thủy hải sản... để nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu;

Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore,...) đã có FTA với EU, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác trong khu vực khi được hưởng ưu đãi thuế quan cũng như các lợi thế khác từ Hiệp định EVFTA.

Hơn nữa, với việc Việt Nam thực thi các cam kết về lao động, môi trường và phát triển bền vững trong EVFTA (vốn được thiết kế theo chuẩn EU), hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có thể tránh được phần nào các nguy cơ/rủi ro từ góc độ người tiêu dùng EU (ví dụ các chiến dịch tẩy chay sử dụng sản phẩm được sản xuất bởi người lao động trong môi trường không bảo đảm tiêu chuẩn, hoặc bị bóc lột...);

Dưới những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới thu nhập của một bộ phận người tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này dẫn tới nhu cầu đối với các sản phẩm có giá cả phải chăng hơn từ các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng, đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo, giày dép...

Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất các sản phẩm này, giá cả thường thấp hơn từ các nước phát triển, lại thêm lợi thế về thuế quan nhờ EVFTA, do đó sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần ở Đức.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Việt Nam và Đức có đầy đủ khuôn khổ hợp tác cần thiết, trong đó hai nước cũng luôn phối hợp để cập nhật và hoàn thiện Kế hoạch Hành động chiến lược giai đoạn 2022-2023 với những định hướng lớn cho quan hệ hai nước.

Việt Nam là một trong số quốc gia có Luật FDI thuận lợi nhất trong khu vực và trên thế giới. Ngay cả trong thời gian đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, dự kiến tăng ít nhất 10% trong năm 2022 so với năm 2021 - năm mà vốn đăng ký FDI đã vượt ngưỡng 31 tỷ USD, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 18 tỷ USD.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phục hồi nhanh nhất sau đại dịch COVID-19. Riêng bốn tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu đạt trên 122 tỷ USD, tăng 16,5%.

Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do hạ tầng giao thông được cải thiện, có điều kiện phát triển các nguồn năng lượng xanh và sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào về số lượng và được đào tạo, có thể phát triển nguồn nhân lực về khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin... Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, như chi phí lao động thấp, nguồn lao động dồi dào, tiềm lực sản xuất lớn, các FTA...

Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo, đặc biệt lợi thế về công nghệ của các doanh nghiệp Đức nói chung và lĩnh vực sản xuất của Đức nói riêng rất phù hợp với quy hoạch phát triển của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu hai bên không trùng, không cạnh tranh lẫn nhau, do đó, hai nền kinh tế Đức và Việt Nam là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau.

Khó khăn

Các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Đức/EU rất khắt khe và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam. Các chế tài xử phạt đối với việc vi phạm các quy định nhập khẩu cũng rất nghiêm khắc.

Hàng hóa bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của Đức có nguy cơ buộc trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu tần suất vi phạm cao (một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định), nước nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hoặc xử lý nghiêm khắc (tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, cấm nhập khẩu một thời gian...);

Người tiêu dùng Đức có yêu cầu rất cao về chất lượng, hình thức, thương hiệu, uy tín...của sản phẩm nhập khẩu. Những yêu cầu này thường cao hơn nhiều so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, và thậm chí cả một số thành viên EU khác. Trong khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam còn chưa đảm bảo tính ổn định, thống nhất về chất lượng, thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại, và ít chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu...

Ngoài ra, người dân Đức ngày càng quan tâm đến tiêu dùng bền vững, lựa chọn các sản phẩm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động... Vì vậy, các nhà nhập khẩu Đức thường yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có thêm các chứng nhận/chứng chỉ (mà không phải là quy định nhập khẩu bắt buộc) như một số chứng nhận về an toàn thực phẩm, chứng chỉ xã hội, nhãn xanh, nhãn sinh thái... Những yêu cầu này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải mất thêm thời gian và chi phí đáp ứng, do đó cũng giảm mức độ quan tâm với thị trường Đức;

Đức có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Đức. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, các chi phí vận tải và logistics tăng cao khiến xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ở xa như Đức bị ảnh hưởng đáng kể;

Mức độ cạnh tranh tại thị trường Đức hiện tương đối cao. Tính đến nay, EU đã có tổng cộng 42 FTA đã có hiệu lực với 79 đối tác, và dành cơ chế ưu đãi GSP cho 67 nước đang và kém phát triển. Ngoài ra, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu nhiều nhất sang Đức tới thời điểm hiện tại. Trung Quốc và nhiều quốc gia đang được hưởng ưu đãi thuế quan ở EU lại có cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tương tự Việt Nam, dẫn tới mức độ cạnh tranh cao.

Kết luận

Hiếm có hai dân tộc nào tuy cách nhau về mặt địa lý, khác biệt về văn hóa – xã hội, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về mặt lịch sử, tinh thần dân tộc như Việt Nam và CHLB Đức. Cả hai đều trải qua quá trình bị chia cắt, tái thống nhất, từng bước vươn lên phát triển trở thành những quốc gia có tiếng nói và vị thế trong khu vực.

Trong quan hệ với Việt Nam, nhiều lãnh đạo và học giả Đức thường xuyên nhắc đến với niềm tự hào rằng, họ là những người thuộc thế hệ Việt Nam, từng xuống đường tham gia biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam. Rõ ràng, sự trân trọng từ phía Đức cùng với bề dày lịch sử quan hệ chính là nền tảng để hai bên tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược trong giai đoạn mới.

Với vai trò đầu tàu kinh tế của EU, sự tham gia tích cực của Đức trong triển khai EVFTA không chỉ góp phần nâng cao quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên mà còn có giá trị lan tỏa, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Hiệp định EVFTA đã trở thành nội hàm quan trọng đưa quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa hai bên đi vào chiều sâu và thực chất. Đặc biệt đây là hiệp định tiêu chuẩn cao, không chỉ xoá bỏ dòng thuế nhập khẩu mà còn hướng Việt Nam đến tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư quốc tế.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính là “cánh cửa” để hàng hóa Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường Đức, đặc biệt, các cơ hội từ cắt giảm thuế quan, cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh và cơ hội tiết giảm các rào cản phi thuế quan... mà EVFTA mang lại.

Các chuyên gia ước tính EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng thêm 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ tăng lên khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết trong EVFTA sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng ngày càng thông thoáng, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.

Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp từ EU và Đức mở rộng hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam. Các khuôn khổ hợp tác chất lượng cao như EVFTA là cơ hội để Việt Nam cùng với Đức và các đối tác EU thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh tế thương mại, góp phần tạo việc làm và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Qua đó góp phần hơn nữa hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - CHLB Đức cũng như sự phục hồi tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN và EU.

ThS.Nguyễn Thanh Lan - Viện Nghiên cứu Châu Âu

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:EVFTA, CHLB Đức

tin liên quan

video hot

Về đầu trang