Bài học quý cho doanh nghiệp Việt Nam định hình tương lai

author 00:24 27/02/2021

(VietQ.vn) - Giai đoạn dịch Covid-19 là khó khăn nhưng đôi khi sức ép từ khó khăn lại là cơ hội để doanh nghiệp có thêm sức ép đổi mới mình và nhìn định hướng trong tương lai dài hơn.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI, bản thân RCEP mang lại cho Việt Nam uy tín và vị thế đáng tin cậy trong hội nhập kinh tế với thế giới. Nếu xét về kinh tế có 3 yếu tố có thể đánh giá là lợi thế:

Trước tiên, RCEP bao trùm khu vực kinh tế là nguồn cung nguyên liệu, phụ liệu máy móc thiết bị lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam. Hiệp định RCEP cho phép Việt Nam tận dụng tốt cơ hội luồng di chuyển hàng hóa và sản xuất; Tiếp đó, trong RCEP bao trùm chuỗi sản xuất lớn nhất thế giới, nên việc kết nối với các nền kinh tế RCEP thuận lợi và nhanh chóng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội lớn hơn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng tăng thêm giá trị của Việt Nam trong chuỗi này;

Đồng thời, bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19 xuất hiện luồng dịch chuyển vốn FDI nhằm đa dạng hóa và tránh tập trung vào một thị trường nhất định. Bối cảnh đó giúp Việt Nam có thể kết nối với Trung Quốc và các thị trường khác trong chuỗi sản xuất. Đây cũng là cơ hội tốt và thêm điểm cộng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiệp định RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Ảnh minh họa.

Bên cạnh cơ hội, Hiệp định RCEP cũng có nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt tương tự như các hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã tham gia. RCEP là hiệp định thương mại tư do thế hệ mới nhưng tiêu chuẩn không cao bằng hiệp định khác như CPTPP và EVFTA. Vì vậy, cũng có lo ngại cho rằng tiêu chuẩn không quá cao của RCEP sẽ làm Việt Nam mất động lực cải cách về mặt thể chế vì chỉ với yêu cầu hiện tại là đã đáp ứng được rồi.

Từ góc độ thu hút FDI, các nền kinh tế trong RCEP cũng hầu hết là các đối tác đầu tư FDI vào Việt Nam nhiều nhất. Tuy nhiên, trong đó cũng có các đối tác có trình độ kỹ thuật không cao, chất lượng đầu tư chưa tốt hay thậm chí có những đầu tư trá hình, gian lận … điều này tạo ra nguy cơ có những đầu tư không tốt cho nền kinh tế.

Xét về góc độ vi mô, Hiệp định RCEP cũng tạo ra thách thức cạnh tranh đối với doanh nghiệp khi Việt Nam phải mở cửa hàng hóa và dịch vụ ngay chính trong thị trường trong nước. Thậm chí, các doanh nghiệp còn chịu áp lực cạnh tranh cao hơn ở thị trường nước ngoài.

Để tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, bà Trang cho rằng có 3 nhóm giải pháp chính như sau: Thứ nhất, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều yếu tố khó lường.

Việt Nam cũng cần giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực... Nếu Việt Nam làm tốt những vấn đề này thì không chỉ là Hiệp định RCEP mà cả các hiệp định khác Việt Nam cũng sẽ tận dụng hiệu quả hơn.

Thứ hai, trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, cần có chính sách công nghiệp rõ nét. Việt Nam cần xác định ngành công nghiệp nào là công nghiệp mũi nhọn thì mới xác định được ngành công nghiệp hỗ trợ nào đi cùng và các yếu tố khác đi kèm chính sách này. 

Thứ ba, Việt Nam phải thay đổi cơ bản về cơ chế kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguồn vốn FDI. Việt Nam đẩy mạnh đón dòng vốn dịch chuyển FDI là đúng và cần thiết nhưng phải cẩn trọng để tránh trở thành điểm đến của FDI có công nghệ lạc hậu, chất lượng kém hay FDI trá hình…

Ngoài ra, bà Trang cho biết: “Tôi nghĩ giai đoạn dịch Covid-19 là khó khăn nhưng đôi khi sức ép từ khó khăn lại là cơ hội để doanh nghiệp có thêm sức ép đổi mới mình và nhìn định hướng trong tương lai dài hơn. Về chi tiết, để hiểu được Hiệp định RCEP, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu về các cam kết của RCEP sau đó có hành động để sẵn sàng tận dụng cho các cơ hội đó, đồng thời cũng cần chủ động đón nhận các thách thức”.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng phát triển kinh tế(VietQ.vn) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ càng được thể hiện rõ nét...

Mai Phương

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang