Bộ Y tế xem xét chấm dứt hiệu lực phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 AstraZeneca

author 13:31 10/05/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) sẽ lấy ý kiến của hội đồng chuyên môn về đề nghị của Công ty dược phẩm AstraZeneca chấm dứt phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 AstraZeneca tại Việt Nam.

Đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, cơ quan này đã nhận được đề nghị của Công ty dược phẩm AstraZeneca về chấm dứt hiệu lực phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách tại Việt Nam.

Theo thông tin từ đại diện Cục Quản lý Dược, trước khi nhận được đề nghị từ AstraZeneca, các lô vắc xin cuối cùng này cũng đã không còn tại Việt Nam, và cũng đã không nhập về Việt Nam trong nhiều tháng qua.

Việc dừng sử dụng vắc xin này hiện không do liên quan chất lượng vắc xin, mà do không có nhu cầu về thương mại và không còn tình huống phòng chống dịch cấp bách. Tuy nhiên, trước đề nghị trên từ AstraZeneca, Bộ Y tế không thể lập tức ra văn bản chấp thuận, mà phải thực hiện theo quy trình.

"Quy trình đề nghị chấm dứt phê duyệt sử dụng cũng cần thực hiện như trước đây đã thực hiện quy trình phê duyệt cho sử dụng vắc xin này. Chúng tôi cũng phải trình hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, các chuyên gia chuyên môn để xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở các ý kiến, cơ quan quản lý sẽ có quyết định về việc chấm dứt sử dụng", đại diện Cục Quản lý dược cho biết.

Vắc xin AstraZeneca là vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2/2021. Ảnh minh họa

Theo Cục Quản lý Dược, trong tương lai, nếu Việt Nam sử dụng lại vắc xin này, Bộ Y tế phải làm lại các quy trình nhập khẩu, cấp phép sử dụng vắc xin theo đúng quy định.

Trước đó, từ tháng 2/2021, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam, sử dụng trong tình huống cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngoài 30 triệu liều vắc xin đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vắc xin AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.

Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đồng thời, đây cũng là loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.

Theo thông tin từ hãng dược AstraZeneca cho hay đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vắc xin Covid-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới. 

Trước đó tập đoàn dược phẩm này lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vắc xin Covid-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".

Từ ngày 7/5, loại vaccine này không còn được sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), sau khi công ty tự nguyện rút "giấy phép kinh doanh" tại khu vực này. Các đơn tương tự sẽ được nộp trong vài tháng tới tại Vương quốc Anh và các quốc gia khác đã chấp thuận loại vắc xin này.

Mặc dù vậy, AstraZeneca cho biết việc họ dừng lưu hành vắc xin này là vì lý do thương mại. AstraZeneca nói rằng, hiện đã có nhiều dòng vắc xin khác hữu hiệu hơn, có khả năng phòng chống nhiều biến chủng SARS-CoV-2 mới hơn vắc xin của mình. Do đó, nhu cầu của thị trường với vắc xin của AstraZeneca đã không còn.

Trước thông tin AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận vắc xin Covid-19 có thể gây cục máu đông, ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 của Astra Zeneca cũng đã được cảnh báo.

"Ngay từ đầu, chúng ta đã rất thận trọng trong tiêm chủng, mọi người đều phải khám sàng lọc rất kĩ trước khi tiêm chủng. Quy trình tiêm chủng được xây dựng chặt chẽ, người dân được kiểm tra trước tiêm, giám sát sức khỏe chặt chẽ sau tiêm", PGS Khuê cho biết.

Đã có hàng chục triệu liều vắc xin của AstraZeneca được tiêm chủng tại Việt Nam nhưng chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang