Bán hàng qua truyền hình chỉ lừa được phụ nữ

author 08:49 09/10/2012

Hẳn nhiều người chưa quên vụ lừa đảo trắng trợn về vòng Titan thần diệu của một số sinh viên ở Hà Nội hồi tháng 11/2009.

Giám đốc Công ty TNHH Special TV Shopping Dư Thị Minh Hồng thừa nhận đã tự ý tâng bốc sản phẩm chứa 99,99% titan, được hãng SGS của Thụy Sỹ kiểm định và chứng nhận có tác dụng tăng khả năng lưu thông máu, chống bức xạ, chống mệt mỏi, cải thiện sức khỏe.

Trong khi đó, kết quả giám định cho thấy, sản phẩm chỉ chứa chứa 2,8% titan; 71,31% là sắt, còn lại là các tạp chất khác. Vụ việc đã gây rúng động trong dư luận vì có quá nhiều người xem truyền hình bị mắc lừa. Nằm trong số những người ngậm trái đắng thời gian đó có chị Nguyễn Hồng Minh (32 tuổi), nhân viên văn phòng tại Tòa nhà Charm Vit, 112 Trần Duy Hưng, Hà Nội.

Ham hố tác dụng thần kỳ từ vòng Titan, chị Minh "tiếc đứt ruột" khi bỏ ra số tiền 999.000 đồng để sở hữu chiếc vòng... sắt trị giá 4.000 đồng.

 

Phụ nữ dễ 'dính bẫy' nhất

Tưởng rằng đây là bài học nhớ đời, song chị Minh lại tiếp tục bị các đối tượng bán hàng đánh trúng tâm lý bằng những thủ thuật không ngờ đến.

Tháng trước, chị Minh cùng chồng đi mua sắm tại một siêu thị ở Hà Đông. Dù tiêu hết tiền mua đồ ăn thức uống cho gia đình, khi đi ngang gian hàng bán máy massage, chị vẫn tò mò muốn xem nhân viên tiếp thị giới thiệu sản phẩm. Khi được biết nếu mua bộ sản phẩm gồm máy massage toàn thân, máy đánh mỡ bụng sẽ được tặng máy massage chân trị giá 5 triệu đồng, chị Minh mắt sáng bừng rồi vụt tắt với vẻ tiếc nuối: "Chị đã tiêu hết tiền rồi. Sáng mai chị qua lấy được không?".

Thấy vậy, nhân viên bán hàng cho biết, đáng ra sản phẩm chỉ được khuyến mại vào buổi sáng, nhưng nếu chị thực sự thích, họ sẽ gọi điện cho quản lý để hỏi xem có thể ưu ái chị trở thành người cuối cùng có cơ hội sở hữu bộ sản phẩm này không. Quả nhiên, người quản lý đã đồng ý tạo điều kiện hết sức cho chị. Qua điện thoại, chị còn cảm ơn "nhà quản lý" rối rít. Chỉ mất 200 nghìn tiền cọc, chị Minh đã được nhân viên bán hàng mang máy đến tận nhà mới tất toán.

Sử dụng, chị mới tá hỏa khi phát hiện bộ sản phẩm chạy tậm tịt, lúc được lúc không chứ không chạy "ngon" như quảng cáo, còn chiếc máy massage chân thì hỏng hẳn. Bức xúc gọi điện đến đường dây nóng ghi trong hóa đơn, chị Minh cũng nhận được những lời hứa suông nhưng rồi bặt vô âm tín. Tìm đến siêu thị thì đội nhóm này đã "cao chạy xa bay". Những người xung quanh cho biết, đây là đội bán hàng lưu động, cũng không rõ họ đang ở đâu.

Hôm sau, chị Minh ôm cục tức đến công ty xả thì được biết một đồng nghiệp nữ của mình còn "đau thương" hơn khi mất 30 triệu đồng để mua một chiếc máy massage giường nằm hỗ trợ giảm chứng bệnh về xương sống và được khuyến mãi chính bộ sản phẩm trị giá 5 triệu mà chị mua phải. Chị Minh và đồng nghiệp bảo nhau từ nay xin chừa với những trò quảng cáo như vậy. 

Đừng ngợp vì quảng cáo

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân nâng lên theo thu nhập, các thiết bị chăm sóc sức khỏe, trong đó có máy massage rất được ưa chuộng. Tin rằng những chiếc máy mày có thể tác động vào các huyệt đạo, điều chỉnh quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể thư giãn,... nhiều chị em còn mang máy massage đến văn phòng để thư giãn hoặc sử dụng ngay trong lúc làm việc. 

Công dụng "thần kỳ" của những chiếc máy này được nhân viên bán hàng đọc làu làu, song ít người tư vấn kỹ lưỡng về cách thức cũng như thời gian sử dụng để đạt hiệu quả tối ưu. Theo các chuyên gia y tế, máy móc chỉ có tác dụng thư giãn trong một thời gian nhất định, không nên sử dụng liên tục và lạm dụng nó.

Tốt nhất, cần hỏi ý kiến chuyên gia trước khi mua máy để được hướng dẫn cụ thể theo thể trạng từng người. Ví dụ, máy massage cầm tay, người mắc bệnh tim mạch tuyêt đối không được sử dụng. Ngoài ra, các bệnh viêm nhiễm, mắc bệnh ngoài da, bong gân, tê thấp, cao huyết áp, tiểu đường, gout,... cũng tránh sử dụng.

Hiện trên nhiều website rao vặt, mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về máy làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Người tiêu dùng cần cảnh giác với những lời quảng cáo "có cánh" để khỏi tiền mất, tật mang.

Ngay cả các kênh truyền hình cũng có thể quảng cáo linh tinh, không đúng thực tế vì không thực hiện khâu xác nhận thông tin.

Sau những sự cố đã được phanh phui, nhiều người không còn tin vào quảng cáo nữa. Anh Nguyễn Thành Nam, chồng chị Minh, lắc đầu: "Chỉ vì những chuyện như thế này thì sau này còn ai dám xem quảng cáo trên truyền hình nữa. Chắc chỉ dám tin ở mục Cáo phó thôi".

Theo TTVN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang