Bánh kẹo Tết - nhãn hiệu nào cũng nhái

author 14:43 15/01/2015

Tại làng La Phù (huyện Hoài Đức), bánh kẹo được đổ tràn lan trên những tấm bạt cáu bẩn. Sau đó, số bánh kẹo này được “gắn” các thương hiệu nổi tiếng và tới các cửa hàng bán lẻ.

“Bánh ngoại made in... La Phù” Tại cổng chính của làng, vào những ngày này lúc nào cũng tắc đường bởi xe từ các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An… đỗ ngang lòng đường chờ bốc xếp hàng. Tại đây, các cửa hàng ghi chuyên bán buôn, bán lẻ bánh kẹo. Tại cửa hàng bán trưng bày sản phẩm của công ty Tân Hoàng Gia, chuyên sản xuất các loại bánh quy “nhái” như bánh Acosy (nhái theo tên bánh quy Cosy của Tập đoàn Kinh Đô). Ngoài ra, các loại bánh quy nhập khẩu từ Đan Mạch như Danisa hay bánh quy King Henry

cũng được công ty này bán ra với cái tên Damisa hay Henry. Ngoài nhái tên sản phẩm, bao bì cũng giống hệt sản phẩm uy tín. Bên trong những hộp bánh này, màu sắc từng chiếc bánh “nhái” cũng y nguyên bánh chính hiệu. Khi ăn thử chiếc bánh, người mua mới phân biệt được bởi vị ngọt gắt, không ngọt dịu như các sản phẩm thật.

Bánh “ngoại” Cookies sản xuất tại... La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).

Sau khi trực tiếp mua thử tất cả 6 loại bánh “nhái” của công ty Tân Hoàng Gia, chủ cửa hàng đưa cho bảng báo giá rẻ đến bất ngờ. Cụ thể, bánh nhập khẩu “nhái” thương hiệu như bánh quy Danisa giá 218.000 đồng/thùng 16 hộp, bánh Henry có giá 210.000 đồng/thùng 12 hộp.

Ngoài ra, các loại khác như Luxyry, Cookies dao động 200.000 - 260.000 đồng/thùng. Mỗi loại bánh “nhái” tại đây rẻ hơn 6 - 10 lần so với các loại bánh chính hiệu đang bán trên thị trường. Trước khi ra về, bà chủ của công ty Tân Hoàng Gia còn cẩn thận nhắc thêm: “Nếu đặt cả xe loại 1,25 tấn chở 105 thùng, giá sẽ giảm xuống 10.000 đồng mỗi thùng”.

Không chỉ riêng công ty Tân Hoàng Gia, bánh kẹo ở La Phù thường có tên na ná với các sản phẩm thật, như: Kẹo Choco Pie với Choco.Pia, bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe Original với Apellebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... Ngoài tự sản xuất, trong làng cũng có rất nhiều thùng kẹo vẫn còn nguyên nhãn mác của Trung Quốc. Những thùng kẹo như vậy sau khi vào kho sẽ được mang một mác mới “made in La Phù”. Địa chỉ sản xuất được in một cách rất chung chung như: LP - HĐ - Hà Nội; Mỹ Đình - Hà Nội; Thanh Oai - Hà Nội…

Đáng chú ý, nhãn mác “nhái”, giả cũng được sản xuất in ấn ngay trong làng này. Hiện nay cả làng La Phù có 4 cơ sở chuyên sản xuất các bao bì và nhãn mác phục vụ cho việc “nhái” sản phẩm. Các cơ sở này nằm sâu trong các ngõ và cửa luôn đóng kín, không treo bảng hiệu.

Bánh ruồi đậu, xúc quẩy bằng hốt rác!

Tại xưởng sản xuất bánh kẹo, quẩy Hoàng Hiệp với địa chỉ ghi bên ngoài La Phù - Hoài Đức - Hà Nội, cơ sở này xập xệ, tối om. Tại đây, quẩy được đổ tràn lan trên tấm bạt gần bậc thang không che đậy. Những tấm bạt chứa quẩy này khi nào cũng vo ve ruồi, muỗi đậu vào. Ở một góc khác, những chiếc nồi, chảo lớn đã hoen gỉ cáu bẩn, vết bẩn bám vào lâu ngày không được cọ rửa nổi lên nhờ nhờ... 

Máy móc, nguyên liệu sản xuất bánh kẹo “ngoại”.

Cạnh đó, chiếc thùng phuy để nguyên liệu nổi bọt, ruồi bay xung quanh. Khi chúng tôi hỏi mua quẩy để về dùng thử, nhân viên tại xưởng dùng hốt rác đen xì cáu bẩn đặt ở góc nhà xúc quẩy đổ vào túi bóng rồi đem lên cân. Chủ cơ sở sản xuất cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 800kg quẩy.

Giáp Tết, hàng không đủ cung cấp. Ngay gần đó, cơ sở Khôi Nguyên Phú cung cấp sản phẩm bánh quy Đại Phát Lộc, công nhân luôn tay nhào bột cho vào máy làm bánh. Công nhân của cơ sở không mang bao tay, khẩu trang, vừa nói chuyện tay sờ vào bột bóp, nhào cho bột vào khuôn, một người trong số họ vừa làm vừa kể: “Những ngày này máy chạy ngày đêm không nghỉ. Hàng ra lò không kịp đóng đi các tỉnh”. Chủ cơ sở đang ngồi in bao bì hạn dùng, báo giá: Bánh quy đường 172.000 đồng/thùng 45 gói (trọng lượng 150gr/gói). Theo giải thích của chủ cơ sở, ngoài in bao bì đặt ở nơi khác, cơ sở về tự in hạn sử dụng.

Theo Zing

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang