Bộ trưởng Công thương: Vi phạm xăng dầu giảm đáng kể

author 09:05 13/06/2013

Bộ Công thương vừa báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội (QH) về chất vấn và trả lời chất vấn cùng kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ ba và thứ tư, Quốc hội khóa XIII. Trong đó có các nội dung liên quan đến quản lý xăng dầu, điện.

Với nội dung chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công thương cho biết năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các lực lượng chức năng bao gồm thanh tra khoa học công nghệ, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển… đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

“Đến nay, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã dần đi vào nề nếp, giảm đáng kể các vi phạm về chất lượng xăng dầu cũng như các hành vi đầu cơ, găm hàng, chờ tăng giá”, báo cáo nêu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Về lộ trình thực hiện thị trường cạnh tranh, chống độc quyền, nhất là đối với các sản phẩm điện, xăng, dầu, than, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, Bộ trưởng cho biết đến hết năm 2012, trên thị trường đã có 12 đầu mối tham gia nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, trong đó, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; 5 tháng đầu năm 2013, đã có thêm 4 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.

“Mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 84 đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, vì vậy việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa”, Bộ trưởng khẳng định.

Trong báo cáo, Bộ trưởng cũng trình bày về việc nhà nước đã áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong bối cảnh giá thế giới đối với xăng dầu thành phẩm có giai đoạn liên tục biến động theo xu hướng tăng.

Bộ trưởng cũng cho hay thực hiện yêu cầu của QH, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ trước ngày 30.6 việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84 về kinh doanh xăng dầu theo hướng khắc phục các bất cập trong quy định về thương nhân được phép kinh doanh xăng dầu, phương thức điều chỉnh giá, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá và đặc biệt là đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Về lĩnh vực điện, báo cáo cho hay thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành thí điểm từ ngày 1.7.2011 và chuyển sang giai đoạn vận hành chính thức từ ngày 1.7.2012.

Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh có 73 nhà máy điện với tổng công suất đặt 23.493 MW. Trong đó, có 48 nhà máy điện (tương đương 11.630 MW) trực tiếp chào giá trên thị trường; còn lại là các nhà máy điện gián tiếp giao dịch trên thị trường với tổng công suất đặt là 11.683 MW.

“Cơ chế thị trường phát điện cạnh tranh đã minh bạch hóa thứ tự huy động các tổ máy phát điện thông qua việc chào giá cạnh tranh trên thị trường phát điện, góp phần đảm bảo tăng khả năng cung cấp điện và đang dần dần tạo ra cơ chế giá điện khâu phát điện khách quan và hợp lý”, ông Vũ Huy Hoàng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Công thương đã triển khai nghiên cứu xây dựng thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Với sự hỗ trợ của tư vấn quốc tế, Đề án thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh về cơ bản đã hoàn thành, hiện đang điều chỉnh theo góp ý của các cơ quan, đơn vị và trình Thủ tướng phê duyệt.

Trên cơ sở rà soát tiến độ thực hiện lộ trình và các điều kiện thực tế, Bộ đã đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện thị trường bán buôn điện và bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, thị trường bán buôn điện cạnh tranh dự kiến sẽ có thể kết thúc vào năm 2021, sớm hơn 1 năm so với quy định tại Quyết định số 26/2006 của Thủ tướng.

Bảo Cầm/TN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang