Cần chế tài để doanh nghiệp đầu tư KHCN

author 11:02 21/09/2012

(VietQ.vn) - Dù nhận thức được việc đầu tư cho KHCN là đầu tư cho sự phát triển song nhiều doanh nghiệp (DN) “lực bất tòng tâm” vì thiếu kinh phí. Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cho rằng đã đến lúc chúng ta cần có 1 chế tài trong vấn đề này.

<br>
Chỉ có đầu tư cho KHCN doanh nghiệp mới có thể "tự làm mới mình" (Ảnh: Quang Tuấn)

Đầu tư cho KHCN còn hạn chế

Ghi nhận ở một số DN, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai ứng dụng KHCN chưa được quan tâm đúng mức. Việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, đổi mới sản phẩm chưa theo kịp nhu cầu thị trường, điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng lực sản xuất của DN. Tình trạng máy móc thiết bị lạc hậu là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc lãng phí năng lượng, khiến DN phải tăng chi phí đầu tư. Hơn nữa, việc không áp dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất và quản lý khiến cho sức cạnh tranh của DN bị giảm sút.

Ông Huỳnh Xuân Trường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Bình Định cho biết, điều tra hiện trạng KHCN của 110 DN trên địa bàn tỉnh Bình Định mới đây cho thấy việc ứng dụng KHCN, sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến tại các DN còn nhiều hạn chế. Các DN chưa quan tâm đến việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị. Trong đó có gần một nửa trong số đó DN không có kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học.

Ông Nguyễn Lương Tá, Chủ tịch Liên minh HTX – DNNQD tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Không hẳn là các doanh nghiệp thờ ơ với việc ứng dụng KHCN vào sản xuất. Bởi doanh nghiệp nào cũng nhận thức rất rõ rằng, KHCN là quốc sách, là động lực phát triển đất nước, là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Nhưng đôi khi vì “lực bất tòng tâm” nên việc ứng dụng KHCN vẫn chậm trễ.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp ì ạch trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng điều cơ bản vẫn là thiếu kinh phí hoặc kinh phí không đủ.

Hiện nay hầu hết các DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ cho nên lợi nhuận trước thuế của họ là rất ít vì thế việc được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế thì mức kinh phí ấy rất ít không đủ  để làm được những công việc mang tính đổi mới công nghệ cho DN hoặc là để tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh.

Ông Đinh Lâm Tới, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ Hải Đăng (Bắc Ninh) chia sẻ, với doanh thu ít ỏi của doanh nghiệp, nếu trích để đầu tư cho đổi mới công nghệ đúng theo như quy định thì chả bõ bèn gì. “Dù biết là để nâng cao năng xuất chất lượng cho sản phẩm thì phải đổi mới công nghệ, nhưng điều kiện doanh nghiệp chưa cho phép nên chúng tôi chưa làm”, ông Tới nói.

Doanh nghiệp nên tự giác trước khi bị ép buộc

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, giải quyết vấn đề kinh phí dành cho KHCN cần phải được chú trọng trong thời gian sớm nhất, nếu muốn tạo nên sự đột phá trong KHCN. “Với quy định trong Luật thuế thu nhập DN như hiện nay đó là chỉ trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế dành cho đầu tư phát triển KHCN thì không giải quyết được bài toán đầu tư này, bởi kinh phí quá ít, vì thế cần phải có một chế tài”, Bộ trưởng Quân nói.

Cũng theo Bộ trưởng, DN là trung tâm của hoạt động đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù Luật Thuế thu nhập DN có quy định DN dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho hoạt động KHCN nhưng DN vẫn không đầu tư. Nguyên nhân một phần là do DN không quan tâm, mặt khác do quy định của luật còn lỏng lẻo, chỉ mang tính khuyến khích chứ không mang tính bắt buộc. Quy định như vậy rất khó áp dụng vì trích 1% cũng được mà không trích cũng được, không mang tính bắt buộc.

Có quy định mới, DN sẽ có nguồn kinh phí đủ lớn để đầu tư cho KHCN

Bên cạnh đó, phần lớn DN Việt Nam hiện là DN nhỏ và rất nhỏ với doanh thu vài tỷ đồng/năm. Với lợi nhuận trước thuế khoảng 15% mà quy định trích 10% lợi nhuận trước thuế cho KHCN thì mỗi DN cũng chỉ dành ra được khoảng 20-30 triệu đồng. Số tiền này không đủ để DN có thể đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao, có sức cạnh tranh… Vì nguồn trích ra quá ít, không đủ làm được gì nên các DN bỏ qua, không trích.

“Do đó, trong Luật KHCN (sửa đổi), chúng tôi sẽ đưa ra những điều khoản mang tính bắt buộc DN phải trích với một tỷ lệ nhất định để đầu tư cho KHCN”, Bộ trưởng Quân cho biết.

Nhận định về những khó khăn khi áp dụng quy định mới về việc trích quỹ phát triển KHCN, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: “Có thể trong thời điểm này, DN đang gặp nhiều khó khăn, việc bắt DN bỏ ra 10% lợi nhuận để đầu tư cho KHCN là không dễ. Do đó, chúng tôi dự kiến sẽ đưa ra mức sàn cụ thể khoảng 5% lợi nhuận trước thuế và mức trần không hạn chế”.

Dự kiến Luật cũng sẽ bổ sung thêm điều khoản quy định cho phép DN có thể trích cho Quỹ KHCN của mình hoặc đóng góp vào Quỹ phát triển KHCN địa phương. Việc đầu tư cho KHCN sẽ được miễn thuế thu nhập DN.

“Hiện nay cũng có những ý kiến phản đối việc bắt buộc DN trích lợi nhuận để đầu tư cho KHCN vì DN là một chủ thể tự chủ, chỉ tuân thủ những nghĩa vụ với Nhà nước thông qua đóng góp thuế… Đây là những quan điểm còn khác nhau nhưng điều quan trọng là cần phải có một chế tài để các DN buộc phải đầu tư cho KHCN, qua đó vừa đảm bảo nguồn đầu tư vừa tăng cường hiệu quả đầu tư” Bộ trưởng Quân cho biết.

Hà Thủy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang