Chế độ thai sản và chế độ nghỉ khi con ốm đau mới nhất năm 2017, mẹ nhớ kỹ kẻo chịu thiệt

author 13:15 17/07/2017

(VietQ.vn) - Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực vào 1/1/2016 bổ sung rất nhiều chế độ thai sản cho người bố và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Chế độ thai sản cho người mẹ và bố

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực vào 1/1/2016 bổ sung rất nhiều chế độ thai sản cho người bố và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng thai sản linh hoạt hơn.

Khi mang thai:

Không phải chỉ khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản mà chế độ này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày đầu tiên bạn biết mình có thai. Theo đó, thai phụ được quyền nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày. Thậm chí, với những mẹ bầu ở xa cơ sở y tế hoặc trường hợp mang thai cần chăm sóc đặc biệt sẽ được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.

Ngoài ra, nếu có bất kỳ "sự cố" như sảy thai, thai chết lưu, sinh non… người mẹ cũng được hưởng một số quyền lợi đặc biệt như:

- Những trường hợp sảy thai dưới 1 tháng sẽ được nghỉ phép 10 ngày

- 20 ngày nghỉ nếu thai từ 1-3 tháng

- 40 ngày nghỉ nếu thai từ 3-6 tháng

- 50 ngày nghỉ nếu thai từ 6 tháng trở lên (bao gồm ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hàng tuần)

Khi sinh con:

- Thời gian nghỉ phép: Bạn được quyền nghỉ trước và sau thời gian sinh con 6 tháng, trong đó thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 2 tháng. Với những mẹ mang đa thai, từ bé thứ 2 trở đi, mẹ sẽ được tính thêm 1 tháng vào thời gian nghỉ. Trong những trường hợp đặc biệt, nếu có nhu cầu nghỉ thêm, mẹ có thể xin nghỉ phép không hưởng lương. Đặc biệt, nếu có đủ sức khỏe để quay lại làm việc trước thời gian nghỉ phép, mẹ vẫn nhận được trợ cấp thai sản theo quy định, và nhận thêm tiền lương cho những ngày làm việc của mình.

- Mức trợ cấp thai sản: Bằng 100% bình quân tiền lương hàng tháng của 6 tháng liền kề trước khi sinh. Ngoài ra, bạn còn nhận được trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 4 tháng tuổi tương đương với 2 tháng lương tối thiểu chung cho mỗi bé.

- Hỗ trợ sau khi sinh: Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày làm việc đầu tiên sau chế độ nghỉ thai sản, bạn có quyền xin nghỉ thêm để phục hồi sức khỏe, và được nhận 30% lương tối thiểu chung/ngày trong trường hợp nghỉ tại nhà, hoặc 40% lương tối thiểu chung/ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.

+ Nghỉ 5 ngày/ năm trong những trường hợp bình thường

+ Nghỉ tối đa 7 ngày/ năm trong trường hợp sinh mổ

+ Nghỉ tối đa 10 ngày/ năm trong trường hợp mang đa thai

Chế độ thai sản cho chồng

Theo luật mới được cập nhật, bắt đầu từ 1/1/2016, chế độ thai sản không chỉ có hiệu lực với phụ nữ, mà những ông bố cũng “tranh thủ” được một chút quyền lợi cho mình. Theo đó, nếu anh xã của bạn có tham gia đóng bảo hiểm y tế cũng có quyền được nghỉ theo chế độ thai sản, và có hiệu lực trong vòng 30 ngày tính từ ngày đầu vợ sinh con.

- Nghỉ 5 ngày với những trường hợp sinh thường

- Nghỉ 7 ngày trong trường hợp sinh mổ, hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi

- Nghỉ 10 ngày trong trường hợp sinh đôi, và từ bé thứ 3 trở đi sẽ được nghỉ thêm 3 ngày cho mỗi bé. Những trường hợp sinh đôi phải sinh mổ sẽ được nghỉ 14 ngày.

Ngoài ra, đối với trường hợp chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng cũng được hưởng tiền trợ cấp thai sản, cụ thể: Theo quy định tại điểm e khoản 1 điều 31 Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016: Trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia BHXH thì mức tiền hưởng trợ cấp thai sản của chồng bằng hai tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau

Điều 27 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau quy định tại Điều này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc:

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

a) Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau, thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Bà A đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 2 con dưới 7 tuổi bị ốm đau với thời gian như sau: con thứ nhất bị ốm từ ngày 04/01 đến ngày 10/01/2016, con thứ hai bị ốm từ ngày 07/01 đến ngày 13/01/2016, bà A phải nghỉ việc để chăm sóc 2 con ốm đau. Ngày nghỉ hàng tuần của bà A là ngày Chủ nhật. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà A được tính từ ngày 04 đến ngày 13 tháng 01 năm 2016 là 09 ngày (trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật).

b) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau, thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Hai vợ chồng bà B đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngày nghỉ hàng tuần của vợ chồng bà B là ngày Chủ nhật. Con bà B được 5 tuổi, bị ốm phải điều trị ở bệnh viện thời gian từ ngày 11/01 đến ngày 05/02/2016. Do điều kiện công việc, vợ chồng bà B phải bố trí thay nhau nghỉ chăm sóc con như sau:

- Bà B nghỉ chăm con từ ngày 11/01 đến ngày 17/01/2016 và từ ngày 25/01 đến ngày 05/02/2016;

- Chồng bà B nghỉ chăm con từ ngày 18/01 đến ngày 24/01/2016.

Như vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của vợ chồng bà B được tính như sau:

+ Đối với bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 19 ngày, trừ 02 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 17 ngày. Tuy nhiên, do con bà B đã được 5 tuổi nên thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm tối đa là 15 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của bà B được tính hưởng là 15 ngày.

+ Đối với chồng bà B: tổng số ngày nghỉ chăm sóc con là 7 ngày, trừ 01 ngày nghỉ hàng tuần vào ngày Chủ nhật, còn lại 06 ngày. Do vậy, thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của chồng bà B được tính hưởng là 06 ngày.

c) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Hai vợ chồng chị T đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có con trai 5 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị bệnh từ ngày 07/3/2016 đến ngày 11/3/2016. Trong thời gian con phải nằm viện điều trị bệnh, cả hai vợ chồng chị T đều nghỉ việc để chăm sóc con.

Trong trường hợp này, cả hai vợ chồng chị T đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau với thời gian là 05 ngày.

Mẹ hãy luôn 'tỉnh táo' và 'ngồi ở ghế' khi cho con bú nếu không muốn mất con(VietQ.vn) - Bà mẹ trẻ Kristin Hoffmann ở thành phố Indianopolis, bang Indiana (Mỹ) phải đối mặt với nỗi đau mất con trai John vĩnh viễn vì sự bất cẩn của bản thân khi cho con bú.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang