Bộ KH&CN triển khai dự án đột phá về chỉ dẫn địa lý

author 15:27 18/11/2015

(VietQ.vn) - Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” vừa được khởi động, Quảng Trị và Bình Phước sẽ là hai địa phương được thí điểm dự án với hai sản phẩm chủ lực của địa phương là tiêu và điều.

Bộ KH&CN vừa chính thức khởi động Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”. Dự án thuộc Quỹ Tăng cường Năng lực Thương mại (FRCC) do Chính phủ Pháp tài trợ với mục tiêu là hỗ trợ Việt Nam cải tiến hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Phương pháp tiếp cận đột phá về chỉ dẫn địa lý

Mục tiêu của Dự án Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam là hỗ trợ Việt Nam cải thiện về hệ thống đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý thông qua xây dựng một phương pháp tiếp cận mới dựa trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Châu Âu, đặc biệt là Pháp. Đồng thời, dự án tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tiêu sẽ được thí điểm xây dựng chỉ dẫn địa lý

Tiêu ở Quảng Trị sẽ được thí điểm xây dựng chỉ dẫn địa lý. Ảnh minh họa.

Theo Bộ KH&CN, dự án được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng qua rất nhiều đợt tham vấn giữa các bên, cả về nội dung, phương pháp và cách thức triển khai. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1 triệu Euro, tương đương với gần 1,3 tỷ USD, trong đó nguồn vốn do Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam(AFD) tài trợ là gần 1,1 tỷ USD.

Sở hữu trí tuệ, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang hội nhập tích cực với các Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA)và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay sở hữu trí tuệ thường là những chương kết thúc đàm phán cuối cùng. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhận định, mục tiêu của dự án không chỉ là xây dựng được bộ tài liệu hướng dẫn về chỉ dẫn địa lý, thống nhất quản lý liên bộ mà còn đòi hỏi thay đổi nhận thức quản lý của tất cả các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới các địa phương có sản phẩm được chỉ dẫn địa lý. “Nếu như các lãnh đạo địa phương lấy các kết quả này để phát triển ngành hàng thành một sản phẩm kinh tế chủ lực thì sẽ thành công. Đặc biệt, cần huy động các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh,trong thời gian qua, chúng ta đã bảo hộ được một hệ thống chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại là hiện chỉ có 1 chỉ dẫn địa lý phát huy được hiệu quả tốt là nước mắm Phú Quốc. “Chính vì vậy, dự án này mới được xây dựng nhằm khắc phục những tồn tại trong suốt 15 năm qua, để có phương pháp tiếp cận mới đột phá về thể chế để triển khai trong giai đoạn mới. Chúng tôi thấy rõ dự án đã được xây dựng rất cẩn trọng và có sự tham vấn của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, có phương pháp tổ chức triển khai dự án rất đổi mới. Ban chỉ đạo dự án sẽ cùng với các địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ không chỉ triển khai theo kế hoạch dự án mà còn có những kiến nghị cho Chính phủ, Bộ, ngành địa phương để đạt được hiệu quả một cách tốt nhất”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.

So sánh với các hướng phát triển chỉ dẫn địa lý ở các nước trên thế giới, ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trên thế giới, nông nghiệp phát triển theo hai hướng, hướng thứ nhất theo tiêu chuẩn toàn cầu, hướng thứ hai là gắn với lãnh thổ.

Ở hướng thứ nhất thường được phát triển tại những nước có quy mô lớn, hướng thứ hai ở những sản phẩm và nước nhỏ hơn, dựa trên đặc thù giá trị sản phẩm hơn là quy mô. Khi đó, chất lượng sản phẩm sẽ là mũi nhọn. “Hướng thứ hai là một hướng thích hợp với Việt Nam và Pháp là nước rất thành công ở hướng này. Do đó, sự giúp đỡ không chỉ nằm ở dự án này mà thể hiện quan điểm tiếp cận của Pháp với Việt Nam. AFD giúp Việt Nam ra một phương pháp và các tiếp cận mới, không chỉ là những kết quả cụ thể. Phương pháp này kỳ vọng được Chính phủ Việt Nam sử dụng ở quy mô trên cả nước. Đây là kỳ vọng lớn nhất của dự án. Mong rằng đây là dự án khởi điểm trong quá trình tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, là ví dụ điển hình để nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng, đưa sở hữu trí tuệ vào phát triển ngành hàng”, ông Vũ Trọng Bình nói.

Thí điểm chỉ dẫn địa lý cho tiêu và điều ở Quảng Trị và Bình Phước

Quảng Trị và Bình Phước là hai địa phương thí điểm của dự án với hai sản phẩm xuất khẩu không chỉ là tiêu biểu của 2 tỉnh này mà còn trên quy mô cả nước là tiêu và điều.

Tại Quảng Trị, ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cần có quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý ở mức độ nội bộ và bên ngoài, trên cơ sở coi trọng chất lượng sản phẩm. Thứ hai là tổ chức Hiệp hội hiện nay hoạt động mang nặng tính hành chính. Do đó, cần có sự tham gia của doanh nghiệp để phối hợp hoạt động hiệu quả gắn với quản lý nội bộ. Ngoài ra, Pháp là một nước có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, cần học tập kinh nghiệm từ Pháp để áp dụng vào trong thực tiễn tại Quảng Trị, Bình Phước, làm cơ sở để phát triển tài liệu chỉ dẫn địa lý. “Quảng Trị có sản phẩm tiêu rất thơm, cay, chúng tôi mong muốn được phát triển diện tích, nâng cao chất lượng để sản phẩm có thương hiệu riêng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế”, ông Trần Ngọc Lân nói.

Còn ở Bình Phước, điều là một sản phẩm rất nổi tiếng của địa phương này. Ông Võ Thanh Hải, Trưởng phòng Sở hữu Trí tuệ, Sở KH&CN Bình Phước cho hay, diện tích điều ở Bình Phước tương đối lớn, hàng năm đạt sản lượng 200 ngàn tấn, năng suất bình quân 1,4 tấn/ha. Hiện toàn tỉnh có 266 doanh nghiệp tham gia chế biến và sản xuất, hơn 100 cơ sở sản xuất nhỏ. Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài còn ít, chỉ 45 doanh nghiệp.

Do đó, ông Võ Thanh Hải cho rằng, dự án là một cơ hội rất tốt để Bình Phước nâng cao chất lượng, thương hiệu hạt điều ở thị trường trong nước và quốc tế. “Chúng tôi mong muốn sẽ được phát triển mạnh sản phẩm hạt điều hơn. Sau khi triển khai chỉ dẫn địa lý, chúng tôi rất muốn được Bộ KH&CN tư vấn, đào tạo cán bộ phát triển sản phẩm lâu dài”, ông Võ Thanh Hải nói.

Là một trong những người chấp bút đầu tiên của dự án, hiện là chuyên gia cố vấn cho dự án, ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN nhìn nhận, chỉ dẫn địa lý bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiệp hội Các nhà sản xuất rượu cô - nhắc đã giúp đỡ Việt Nam trong những dự án về chỉ dẫn địa lý rất hiệu quả. Từ năm 1995, những tư tưởng, kinh nghiệm của Pháp và thế giới đã được vận dụng. Nước mắm Phú Quốc và chè Mộc Châu là hai sản phẩm được chỉ dẫn địa lý đầu tiên và rất hiệu quả. Tuy nhiên, thế giới biết nước mắm Phú Quốc nhiều hơn chè San Tuyết Mộc Châu. Theo ý kiến của các chuyên gia Sở hữu Trí tuệ thì chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phú Quốc được làm tốt nhất hiện nay, chè San Tuyết Mộc Châu ở cấp độ trung bình.

Đến giai đoạn hiện nay, theo ông Trần Việt Hùng, chúng ta phải đi vào sâu hơn. Theo đó, dự án mới này của Chính phủ Pháp có vai trò vô cùng quan trọng. “Tuy nhiên, chất lượng quản lý và hoạt động của cơ quan quản lý và các hiệp hội, thực thi quyền chưa thật tốt. Cần đột phá ở khâu quản lý và đưa vào thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh TPP, vai trò của chỉ dẫn địa lý rất quan trọng, cần phải tận dụng cơ hội này”, ông Trần Việt Hùng nói.

Ông Vũ Trọng Bình đánh giá, với vai trò của AFD và quan hệ đối tác chiến lược của hai nước, mong AFD thiết kế chương trình, hoạt động tài trợ trong tương lai. Mong lãnh đạo của hai tỉnh Quảng Trị và Bình Phước từ dự án điển hình này đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng nông nghiệp khác theo hướng dựa trên đặc thù giá trị sản phẩm hơn là quy mô. Nếu chỉ dừng ở Sở KH&CN thì không xứng đáng, phải trở thành nghị quyết của tỉnh bởi đây là cơ hội để thay đổi vai trò trong quản trị của sở hữu trí tuệ ở địa phương. Hiện nay, Nhà nước làm nhiều quá, vai trò của Sở, hiệp hội doanh nghiệp địa phương còn ít, cần định hướng lại qua dự án này. Bên cạnh đó, cần lôi cuốn vai trò của tư nhân và sự hỗ trợ của các tỉnh vào”, ông Vũ Trọng Bình khuyến cáo.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang