Chọn phương thức chứng nhận hợp quy đồ chơi trẻ em

author 19:22 19/07/2012

(VietQ.vn) - Việc đánh giá, chứng nhận sự phù hợp đối với đồ chơi trẻ em (ĐCTE) được quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN; theo đó, sẽ thực hiện trên cơ sở sử dụng ba phương thức: 1, 5 và 7. Để thuận lợi hơn trong việc chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, doanh nghiệp cần chủ động trong việc lựa chọn phương thức chứng nhận.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hỏi: Xin quý báo cho biết quy trình chứng nhận hợp quy cho sản phẩm ĐCTE? Các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu… đã được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế khi nhập vào Việt Nam có phải áp dụng theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hay không?

Trần Uyên Linh (Công ty TNHH Đức Hải, Tp Biên Hòa, Đồng Nai)

Đáp: Hiện nay, quy trình chứng nhận hợp quy ĐCTE được quy định cụ thể trong Quyết định số 401/QĐ-TĐC ngày 25/3/2010 của Tổng cục TCĐLCL. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ĐCTE thuộc đối tượng điều chỉnh của QCVN 3:3009/BKHCN đến một trong các tổ chức chứng nhận do Tổng cục chỉ định để được hướng dẫn cụ thể. Danh sách tổ chức chứng nhận được chỉ định đăng tải trên website của Tổng cục www.tcvn.gov.vn.

Về quy trình chứng nhận, đối với nhà sản xuất: phương thức chứng nhận thực hiện theo Phương thức 5, gồm thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất. Trường hợp nhà sản xuất đã có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm, hàng hoá được đánh giá, không cần phải đánh giá quá trình sản xuất.

Còn đối với nhà nhập khẩu: nếu ĐCTE đã được chứng nhận theo phương thức 5, phù hợp QCVN 3:2009/BKHCN, không phải chứng nhận khi nhập khẩu. Nếu chưa được chứng nhận theo phương thức 5, phải thực hiện chứng nhận cho lô hàng nhập khẩu. Phương thức chứng nhận được thực hiện theo Phương thức 7: thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hoá.

Về nguyên tắc, tất cả các loại ĐCTE nhập khẩu thuộc đối tượng điều chỉnh của QCVN 3:2009/BKHCN đều phải có bằng chứng đã được chứng nhận phù hợp QCVN và được kiểm tra trước khi thông quan. Khuyến khích nhà sản xuất từ nước ngoài thực hiện chứng nhận hợp quy ngay tại bến đi (nước xuất khẩu) để giảm thủ tục khi nhập khẩu vào Việt Nam. Các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…đã được áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế cần được chứng nhận phù hợp QCVN trước khi thông quan.

Để chuẩn bị trước, các nhà sản xuất ở nước ngoài nên sử dụng các tổ chức chứng nhận đã được Bộ KH&CN chỉ định hoặc đề nghị Bộ KH&CN thừa nhận tổ chức chứng nhận ở nước ngoài để phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu sang Việt Nam.

(Chuyên mục được thực hiện với sự phối hợp, giúp đỡ của Vụ Hợp chuẩn và Hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang