Đặt hàng hiệu từ nước ngoài vẫn 'dính' hàng giả như thường

author 15:00 14/11/2019

(VietQ.vn) - Nhiều người nghĩ rằng đặt hàng từ nước ngoài về thì không thể là hàng giả nhưng thực tế người tiêu dùng đã lầm vì hàng giả vẫn bị trà trộn lừa người dùng.

“Bóc phốt” chiêu 'người nhà' sống ở nước ngoài mua hàng hiệu gửi về 

Ghi nhận của báo Thanh Niên, hiện nay không chỉ các sản phẩm nhái, giả bày bán công khai khắp nơi trên thị trường và các chợ điện tử, ngay cả những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng bị đánh tráo hàng giả với nhiều chiêu thức tinh vi.

Mới đây, trong một nhóm kín chuyên đặt hàng (order) hàng từ nước ngoài với hơn 4.000 thành viên trên mạng Facebook, các thành viên đã “bóc phốt” một trường hợp bán nước hoa Le Labo giả nhưng người bán rao là hàng chính hãng (Auth) được người nhà mang từ Pháp về cho.

Cụ thể, người bán rao thanh lý 3 chai nước hoa Le Labo số 29 The Noir, 31 Rose và 33 Santal với giá 3 triệu đồng/chai. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin được đăng, một số thành viên đã đề nghị đối chất và làm rõ vì có dấu hiệu hàng “fake”.

Theo phân tích, giá chai nước hoa hàng chính hãng trên 5 triệu đồng thì không có giá thấp như trên; các thông tin trên nhãn không sắc nét như hàng thật, không giống các sản phẩm chính hãng mà nhiều thành viên đã tự mua khi đi du lịch...

 Người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng từ nước ngoài vì vẫn dính bẫy hàng giả

Nghi vấn oder hàng nước ngoài nhưng nhận hàng giả cũng được nhiều tín đồ của phong trào này đặt ra lâu nay. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thanh (Q.3, TP.HCM) cho biết, vừa đặt hàng một chiếc túi hiệu Michael Kors qua một người bán hàng trên Facebook với giá 2,9 triệu đồng. Người bán nói giá rẻ hơn thông thường do chị đang ở Mỹ, đảm bảo chất lượng, khoảng 3 tuần nữa mới có chuyến hàng về. Thế nhưng một tuần sau, chị Thanh thấy một trang Facebook khác đang rao gom hàng giảm giá 70% cũng từ Mỹ về với nhiều mẫu túi Michael Kors, trong đó có mẫu mà chị đã đặt mua với giá chỉ 2,4 triệu đồng.

Để kiểm chứng, chị Thanh tiếp tục nhờ một người bạn sống ở Mỹ tìm hiểu xem giá thật sự của chiếc túi Michael Kors là bao nhiêu, người này cho biết: “Em không thấy chỗ nào giảm 50 - 70% như chị nói, chắc mẫu đó ở các cửa hàng outlet. Mà ở những cửa hàng bán đó, chị không biết túi nó xấu cỡ nào đâu”. Điều này khiến chị Thanh hoang mang, vì hàng nhận về thì vẫn đúng mẫu trên web, có đủ hóa đơn.

Là người vừa đi định cư ở Mỹ khoảng 2 năm trở lại đây, chị Quỳnh kể, trước ở Việt Nam chị thích chiếc đồng hồ hiệu Maxell có giá khoảng 3.000 USD, gần 70 triệu đồng. Khoảng vài tuần sau, một trang bán hàng do một người khá nổi tiếng quản lý rao bán chiếc đồng hồ này 35 triệu đồng và cam đoan là hàng thật. Nếu người mua phát hiện hàng nhái, dỏm sẽ cho đổi lại.

Sau khi qua định cư ở Mỹ, chị thấy giá niêm yết vẫn 3.000 USD và nhân viên khẳng định chiếc đồng hồ này chưa bao giờ được giảm giá.

Cũng theo chị Quỳnh, ở Mỹ, nhiều khi người có tiền nhưng cũng chưa chắc mua được một số hàng hiệu như Gucci, LV... Khi khách hàng là thành viên của một số thương hiệu nổi tiếng thì khách này được ưu tiên mua hàng khi có mẫu mới ra chứ không hẳn được giảm giá. Trong khi đó tại Việt Nam, những thương hiệu này được rao bán giảm giá từ 30 - 50% mà vẫn cam kết đó là hàng thật”, chị Quỳnh chia sẻ thêm.

Thuốc lá điện tử là ‘kẻ thù’ của tim mạch(VietQ.vn) - Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu Tim mạch (Cardiovascular Research) đã chỉ ra việc hút thuốc lá điện tử có thể dẫn đến tổn thương hệ tim mạch.

Cách 'soi' hàng nhái, hàng giả 

Xuất xứ, nhãn mác, logo thương hiệu

Trước tiên khi muốn biết hàng hóa mình vừa mua có phải thật hay không người tiêu dùng nên dựa vào nhãn mác để biết xuất xứ sản phẩm (SP), nhiều thương hiệu ghi nhãn “made in China” hay “made in Cambodia”, tuy nhiên, thường những thương hiệu ở phân khúc trung cấp mới sản xuất SP ở nước thứ ba. Riêng hàng hiệu cao cấp như Louis Vuitton hay Gucci thì không sản xuất tại bất cứ nước thứ ba nào. SP Louis Vuitton chính hãng “made in France” và Gucci “made in Italy”.

Bên cạnh đó, logo của hàng hiệu chính hãng được in rõ, sắc nét; còn hàng giả, nhái thường có logo in mờ và thay đổi một số chữ, chi tiết hình ảnh, độ đậm nhạt của màu sắc, nét chữ....

Để ý tới vị trí của logo 

Các hãng nổi tiếng thường có sự thống nhất trong cách để logo trên SP và đính thêm nhãn mác bên trong SP. Khi mua hàng,  nên chú ý vị trí đặt logo, đường nét, màu sắc của logo trên SP; kiểm tra nhãn bên trong xem được dập chắc chắn hay khâu tay, SP giả thường không có nhãn mác bên trong hoặc có nhưng may sơ sài. Trong khi đó hàng giả thường có logo không cân xứng, kích thước to quá hoặc nhỏ quá so với SP và không có logo đồng nhất ở cùng một thương hiệu SP.

Kiểm tra mã số, mã vạch

Hàng hiệu chính hãng thường có những thông số và mỗi SP đều có một mã khác nhau. Những ký hiệu như: mã ngày, số serie, số hiệu model thể hiện rõ ràng trên từng SP hàng hiệu thật. Ở hàng giả, nhái, các mã số và serie thường bỏ trống hoặc không theo số hiệu model. Bên cạnh đó, đối với túi xách, ví hàng hiệu chính hãng thường kèm theo túi bọc, thẻ chứng nhận và thẻ bảo hành để đảm bảo quyền lợi của người mua.

Bạn nên biết cách kiểm tra mã vạch (barcode) và QR code bằng các phần mềm trên smartphone. Mã vạch gồm các chữ số mang thông tin về SP như: nước sản xuất, tên doanh nghiệp, lô, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký, thông tin về kích thước SP, nơi kiểm tra… Mỗi SP chỉ mang một mã vạch duy nhất mà không bao giờ thay đổi.

Xem tra cứu mã số, mã vạch của nước nào thì đọc 3 số đầu tiên của mã vạch sẽ suy ra được quốc gia sản xuất hàng hóa đó. Ví dụ: 000 - 019 GS1 Mỹ, 300 - 379 GS1 Pháp, 400 - 440 GS1 Đức, 450 - 459 & 490 - 499 GS1 Nhật Bản, 760 - 769 GS1 Thụy Sĩ, 930 - 939 GS1 Úc...

“Soi” kỹ sản phẩm

Bạn có thể thử bằng cách dùng ngón cái và ấn mạnh lên bề mặt túi, ví; nếu là da thật sẽ để lại vết lõm xung quanh ngón tay cái nhưng khi bạn bỏ tay ra, vết lõm sẽ mất đi, chứng tỏ độ đàn hồi của bề mặt da thật. Còn với da giả, các chất liệu tổng hợp không có được độ đàn hồi này, vết lõm cũng sẽ còn hằn nguyên bởi các lớp hạt vật chất nhân tạo tạo thành lớp da giả đã bị tách rời ra.

Sả phẩm hàng hiệu từ da thật không dùng keo, phần lớn là da nguyên miếng. Dây nịt da thường chỉ có một lớp và đính kèm một miếng da nhỏ để khách hàng kiểm tra. Nếu là da thật thì phần này rất sần sùi, nhám; còn SP nhái thường dán bằng keo. Dây nịt làm bằng da tổng hợp thường hai bên hông đường dây có tráng một lớp nhựa. Thực chất, đây là lớp tráng keo để che các lớp dán của simili nhằm đánh lừa mắt người mua.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang