Điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ GTVT gây 'tắc đường'?

author 13:15 22/08/2018

(VietQ.vn) - Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, dường như ngành giao thông “tắc đường” khi dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP còn nhiều quy định hết sức bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho đến nay, Luật Giao thông đường bộ đã có hiệu lực 10 năm, và trong khoảng thời gian đó, đã có 03 Nghị định hướng dẫn quy định nêu trên của Luật Giao thông đường bộ. Đây là lần thứ 4 Bộ GTVT đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, để thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP.

“Như vậy, cứ trung bình khoảng hơn 2 năm, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ thay đổi hướng dẫn về kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô. Thực tế này chứng tỏ rằng các Nghị định nói trên, nhất là các quy định về điều kiện kinh doanh, đã không thành công, trong giải quyết các vấn đề của kinh doanh vận bằng ô tô. Vì vậy, rất cần một hệ thống tư duy và cách tiếp cận mới trong soạn thảo Nghị định này, nhất là các quy định về điều kiện kinh doanh”, CIEM nhận định.

Đặc biệt, nhiều ý kiến còn bày tỏ lo ngại khi cho rằng mặc dù dự thảo đã đơn giản hoá, bãi bỏ một số quy định về điều kiện kinh doanh, nhưng nhìn tổng thể, dự thảo đã không theo tinh thần bãi bỏ, cắt giảm mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh, trái lại, đưa thêm vào một số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới bất hợp lý, không cần thiết. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng dự thảo “dường như còn đưa ra nhiều điều kiện hơn cả Nghị định cũ”.

Luật sư Trương Thanh Đức thì nhận định dường như ngành giao thông “không chỉ tắc đường mà còn đang tắc tư duy” khi dự thảo còn nhiều quy định hết sức bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn.

“Như quy định xe tải phải có biển chữ “xe tải”. Hay xe hợp đồng trước khi thực hiện hợp đồng phải thông báo tới Sở GTVT về nội dung hợp đồng; hợp đồng vận tải phải có thông tin “hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe” của lái xe, “năm sản xuất” của phương tiện… Tôi đi xe từ Hà Nội xuống Hải Phòng nhưng sao cứ phải khai đủ các thông tin như xuất cảnh ra nước ngoài”, ông Đức bình luận.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế nghị định 86/2014/NĐ-CP còn nhiều quy định hết sức bất hợp lý. Ảnh: Thanh Niên

Theo vị này, quy định đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng nhằm để chống xe trá hình tuyến cố định, khó dẹp bỏ “xe dù, bến cóc” là không hợp lý, phủ nhận thực tế tốt, hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, đi ngược lại cách thức kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí tận dụng tối ưu năng lực, phương tiện và khuyến khích nền kinh tế chia sẻ.

Nhìn tổng thể, luật sư này cho rằng, dự thảo Nghị định đã “cắt 1 thêm 3” điều kiện kinh doanh, đang đi ngược lại mong muốn của Chính phủ và của chính Bộ khi mục tiêu là cắt giảm điều kiện nhưng nội dung dự thảo thể hiện khác.

Đại diện một đơn vị công nghệ chuyên phát triển các nền tảng công nghệ thì cho rằng việc dự thảo quy định “Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử” là không hợp lý. “Tại sao chỉ dưới 9 chỗ mới được sử dụng hợp đồng điện tử?”, vị này đặt câu hỏi.

Đại diện doanh nghiệp vận tải Thành Bưởi thì khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp hết sức vui mừng với Chỉ thị 20 của Thủ tướng, trong đó yêu cầu cắt giảm ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh. Nhưng nếu thực hiện theo dự thảo thì mục tiêu này không đạt được và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

“Ví dụ vừa rồi chúng tôi có một đoàn khách người Thụy Điển, họ đặt xe, chúng tôi nói các ông ở đâu để chúng tôi đến ký hợp đồng trước. Họ hỏi sao phải như thế, sao không để lên xe rồi làm hợp đồng cũng được, chúng tôi nói quy định của Việt Nam như thế”, đại diện Thành Bưởi cho biết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM đưa ra những con số cụ thể hơn. Theo đó, theo thống kê của CIEM, so với Nghị định hiện hành, dự thảo mới đã cắt bỏ 12 điều kiện nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện. Trong đó, có 64 điều kiện bổ sung thêm ngay trong dự thảo và 21 điều kiện được thể hiện dưới dạng “theo quy định của Bộ GTVT”.

“Trong khi đó, chưa biết theo quy định của Bộ còn có thể thêm các giấy phép con, cháu, chắt gì nữa. Rõ ràng, dự thảo không đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh”, bà Thảo nhận xét.

Bảo Lâm

Sẽ cắt giảm hơn 60% trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh hiện hành(VietQ.vn) - Theo kết quả mới nhất từ “chiến dịch” cắt giảm điều kiện kinh doanh đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, dự kiến sẽ cắt giảm hơn 60% trong tổng số 5.905 điều kiện kinh doanh hiện hành.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang