Giá gas tăng, bếp than tổ ong "tái xuất"

author 13:32 22/10/2012

(VietQ.vn) - Để đối phó với giá gas tăng, nhiều gia đình sống ở Hà Nội phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu. Họ tìm về với bếp than tổ ong, vật dụng quen thuộc với hầu hết mọi gia đình trong thập niên 90 của thế kỉ trước.

Tiết kiệm bằng... than tổ ong

Dù đã sử dụng tới nhiều cách tiết kiệm, nhưng cứ hơn 1 tháng chị Hải Hậu (Gia Lâm, Hà Nội) lại phải đổi bình gas. Sau 2 lần tăng giá, hiện mỗi bình gas xấp xỉ 500.000 đồng/bình 12kg nên chị bắt đầu sử dụng lại bếp than tổ ong.

Chị Hậu cho biết: “Dù dùng bếp than mất công, phải dậy sớm nhóm bếp rồi ủ bếp nhưng chi phí chỉ bằng 1/3 so với bếp gas nên chắc tôi sẽ sử dụng bếp than cho tới khi giá gas có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôi cứ tưởng bỏ được bếp than, ai ngờ lại phải trở về thời bao cấp. Nhà ở ngõ sâu, lại chật hẹp nên mỗi lần nhóm bếp tôi phải mang ra ngoài đường để khỏi ảnh hưởng đến các hộ xung quanh”.

Mỗi chiếc bếp than đơn hoặc đôi có giá từ 65.000 đến 139.000 đồng, chủ yếu là hàng Việt Nam. Một viên than tổ ong có giá từ 2.000 đến 2.700 đồng, có thể đun nấu được nửa ngày.

Anh Nguyễn Văn Chung - chủ đại lý bếp Con cò Chung Anh (chợ Láng Hạ B, Hà Nội), nói: “Giá gas tăng quá cao khiến rất nhiều người đổ xô đi chọn bếp than. Trước kia chỉ có những nhà hàng mới sử dụng thì nay những nhà có thu nhập cao cũng tìm mua. Hỏi ra mới biết, họ sợ chi phí gas cao nên sử dụng đồng thời cả bếp gas và than”.

Người Hà Nội dùng bếp than tổ ong chống chọi với "bão" gas
Người Hà Nội dùng bếp than tổ ong chống chọi với "bão" gas

Cơ sở sản xuất than “được mùa”

Cùng từ khi giá gas tăng, than tổ ong cũng trở nên “đắt hàng” gấp nhiều lần. Trước kia, những cơ sở sản xuất than tổ ong chỉ có “khách hàng thân thiết” là những quán ăn, nhà hàng. Nay đối tượng phục vụ được mở rộng hơn, từ công nhân, cán bộ nhà nước đến sinh viên.

Ông Nguyễn Văn Hanh, chủ cơ sở sản xuất than ở Gia Lâm (Hà Nội) cho biết: “Trước kia, mỗi ngày cơ sở chỉ sản xuất từ 900-1.000 viên than là nhiều, nay có ngày sản xuất tới 1.800-2.000 viên mà vẫn hết…”.

Ngoài than tổ ong truyền thống, nhiều gia đình chọn sử dụng than sạch cho an toàn, không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Ông Hoàng Văn Thương - Tổng giám đốc Công ty than sạch Hoàng Thương, cho biết: “Đun bếp gas trong 60 phút sẽ mất khoảng 15.000 đồng tiền gas. Trong khi đó, một viên than sạch sử dụng được trong 3,5 tiếng đồng hồ giá chỉ gần 4.000 đồng. Hiện nay, mỗi ngày công ty xuất xưởng 4.000 viên than mà vẫn chưa đủ cung cấp cho người tiêu dùng...”.

Các cơ sở sản xuất than "được mùa"
Các cơ sở sản xuất than "được mùa"

Độc hại khôn lường

PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc đun các loại than từ trước đến nay đều được cảnh báo là độc hại vì trong than có khí độc CO2. Khi đốt than, nhất là ở giai đoạn nhóm lò, lượng oxi trong không khí cấp vào lò than không đủ. Bởi vậy cũng như khi ủ than, nó thải ra một lượng khí độc rất lớn. Ngoài khí CO2, khi đốt than còn thải ra một số khí độc khác như SO2, CO.

Ông Côn nhấn mạnh: "Người hít phải khí độc này sẽ có cảm giác tức ngực, mệt mỏi vì nồng độ oxi trong máu giảm. Trẻ em thường xuyên hít phải mùi than rất dễ bị viêm phổi. Đặc biệt khi đốt than trong phòng kín rất dễ bị suy hô hấp, thậm chí dẫn đến tử vong nếu như hít thở CO2 ở nồng độ quá cao”.

Rõ ràng, sử dụng than tổ ong thay thế gas giúp các gia đình tiết kiệm lượng tiền không nhỏ, nhưng than tổ ong lại rất độc hại. Tuy nhiên, nếu biết sử dụng than tổ ong đúng cách thì người dân vẫn có thể tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Về vấn đề này, ông Côn khuyên: Có thể hạn chế ảnh hưởng của khói than bằng cách đặt chỗ đun than cách xa nơi mình ở, đun ở chỗ thoáng, dùng tôn có thành cao quây khu vực nấu lại sao cho khói thoát ra chỗ xa.

Giữa thời buổi bão giá hiện nay, mọi người, mọi nhà đều thắt chặt chi tiêu. Dùng than tiết kiệm nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Biết vậy mà vẫn phải chấp nhận.

Thanh Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang