Grab phải dán phù hiệu nhận diện, taxi truyền thống có thể bỏ mào

author 06:07 19/01/2020

(VietQ.vn) - Chính phủ đã ban hành nghị định 10/2020/NĐ-CP, thay thế Nghị định 86 về quản lý vận tải. Theo đó, yêu cầu xe grab phải dán phù hiệu, còn với taxi truyền thống có thể bỏ mào.

Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động taxi, Nghị định 10 nêu rõ: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “xe taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe; phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “xe taxi” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe taxi” là 06 x 20 cm.

Nghị định cũng quy định xe hợp đồng điện tử sẽ không phải gắn hộp đèn “taxi” trên nóc thay váo đó được quyền lựa chọn gắn hộp đèn hay không. Cụ thể, “Xe hoạt động theo hình thức taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "taxiI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm.

Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "taxi" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “xe taxi” trên kính phía trước và kính phía sau xe”, nghị định nêu rõ.

Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền trên xe phải được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình. Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.

 Grab phải dán phù hiệu, còn với taxi truyền thống có thể bỏ mào

Đối với thời gian hoạt động và cấp phép của xe taxi, Nghị định nêu trong trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.

Đối với xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền), Nghị định quy định trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số.

Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.

Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang