Hà Nội vươn mạng lưới cấp nước về các vùng nông thôn

author 14:16 31/05/2019

(VietQ.vn) - Ngành nước Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, và Hà Nội đang là địa phương tiên phong trong việc vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn.

Cơ hội ngành nước phát triển

Trao đổi tại Triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý nước tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, mục tiêu đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả người dân - nằm trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 đang được nhiều quốc gia triển khai, trong đó có Việt Nam, và cơ hội phát triển ngành cấp nước tại Việt Nam rất rộng mở.

         Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Cấp thoát nước Việt Nam: Hà Nội tiên phong đưa mạng lưới cấp nước về nông thôn.

 

Hiện cả nước có khoảng 828 đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa trung bình cả nước đạt khoảng trên 38,4%. Tốc độ tăng trưởng đô thị hóa mạnh mẽ hiện tại đòi hỏi sự phát triển đồng bộ cả về quy mô lẫn chất lượng kỹ thuật trong hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, đến thời điểm hiện nay, tổng công suất thiết kế trên cả nước khoảng 9,2 - 9,3 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua hệ thống nước tập trung khoảng 87%, tỷ lệ thất thoát khoảng 21%. Giá nước sạch trung bình từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/m3. Hiện tại có 110 doanh nghiệp cấp nước thì có 90% trong số đó đã cổ phần hóa.

 
Mục tiêu ngành nước đặt ra đến năm 2025, từ 95% - 100% dân cư được cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở đô thị phải dưới 15%; hệ thống thoát nước phải phục vụ hơn 70% diện tích đô thị, từ 20% - 50% lượng nước thải được thu gom, xử lý; 80% lượng nước thải ở các làng nghề được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi trở lại môi trường.
 

Bên cạnh đó, về mặt quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đang ngày càng hoàn thiện; sự phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa cũng đang đẩy nhanh nhu cầu về tiếp nhận nước sạch.

Thực tế, ngành cấp nước của Việt Nam trong thời gian vừa qua phát triển rất nhanh. Theo đánh giá của Hội cấp thoát nước Việt Nam, các doanh nghiệp cấp nước Việt không thua kém các nước trong khu vực và châu Á .

Đáng chú ý, tỉ lệ thất thoát nước của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp. Trong khi các doanh nghiệp Úc thất thoát đến 10–12% thì doanh nghiệp Việt Nam, chẳng hạn tại Bình Dương, mức thất thoát chỉ 5,8 đến 6,1%. Riêng Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch đạt dưới 18%; đến năm 2030 đạt dưới 15%.

Hà Nội tiên phong đưa mạng lưới cấp nước về nông thôn

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Hà Nội đang thực hiện theo quy hoạch cấp nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đầu tư một số nhà máy cấp nước với quy mô, công suất lớn. Điển hình là Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Công suất 150.000 m3/ngày đêm của nhà máy này đã nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt 1.370.000m3/ngày đêm, góp phần bổ sung đủ nguồn cấp nước cho nhân dân giai đoạn hiện nay.

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Trong giai đoạn cao điểm đầu hè năm 2019, nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng lên trên 1.160.000 m3/ngày đêm, riêng Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã cung cấp cho hệ thống nước tập trung khoảng 110.000 đến 132.000 m3/ngày đêm, góp phần bổ sung nguồn cấp cho một số khu vực cuối nguồn thường hay thiếu nước vào những ngày nắng nóng các năm trước như: Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông…

 
Hà Nội đang là địa phương tiên phong trong việc vươn mạng lưới cấp nước đô thị phục vụ khu vực nông thôn, vùng ngoại ô và các vùng lân cận. Đến nay, Hà Nội đã nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên trên 56,5%.
 

Ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết, vừa qua, Hà Nội đã đề nghị với Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước. Theo đó, đến tháng 10/2019 sẽ nâng công suất Nhà máy nước mặt Sông Đuống lên 300.000 m3/ngày đêm; xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai 300 ngàn m3/ngày đêm...

Nâng cao chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được Hà Nội đặt ra. Hà Nội lên kế hoạch năm 2020, dân cư đô thị trung tâm được sử dụng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 150-160 lít/người/ngày; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 90-100% với tiêu chuẩn dùng nước 120-140 lít/người/ngày.

Đối với ngành thoát nước, ông Nguyễn Hồng Tiến cho biết, từ trước đến nay, xây dựng các nhà máy nước thải vẫn là sử dụng các nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có doanh nghiệp tham gia quản lý vận hành nhà máy cũng như tham gia đầu tư vào xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Doanh nghiệp này cũng đã đầu tư, áp dụng một số công nghệ tiên tiến.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang