Chất lượng sống

Ẩm thực

Hấp dẫn những đặc sản núi rừng Đắk Nông

author 14:10 03/07/2016

(VietQ.vn) - Đắk Nông không những nổi tiếng với địa hình sông, núi hùng vỹ mà còn vì những món ăn đậm chất núi rừng, đậm đà bản sắc.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Có lẽ, ấn tượng nhất là phải nói đến đọt mây, khó tìm, khó thấy hơn măng, nhưng mùa nào cũng có. Ðồng bào thường lấy phần đọt có gai về làm thức ăn, khi bóc hết lớp vỏ cứng bên ngoài sẽ lộ ra phần thân non bên trong màu trắng nõn nà. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc, xào hoặc nướng than. Cầu kì hơn thì dùng đọt mây để chế biến nhiều món như xào thịt bò, nấu canh thụt, gỏi…
Đắk Nông nổi tiếng với Bơ sáp và được xem là thương hiệu của vùng đất Tây Nguyên. Trái thường dài dạng như quả lê, quả đu đủ; vỏ trái mỏng thường trơn tru; khi chín có màu xanh, vàng xanh hay đỏ tím, đỏ sẫm tùy giống; vỏ hạt mỏng, mặt ngoài hạt trơn láng. Bơ là một trong những loại trái cây không chứa cholesterol mà lại có nhiều chất béo (hàm lượng chất béo rất cao 15-30%) tốt cho cơ thể con người. Mùa thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9, Bơ sáp được trồng nhiều tại huyện Đắk Mil.
Cà đắng vốn là loại cà mọc dại. Sau được người dân đem về trồng và tạo ra một giống cà đắng ít đắng hơn. Cà có quả thon dài, trái có vằn dọc trắng xanh như trái dưa. Vị cà đắng đăng đắng như khổ qua rừng rất hấp dẫn. Người trong buôn thường dùng cà để nấu canh, kho cá khô hoặc kho tép. Món ăn nào cũng đặc trưng vị đắng, vị cay khiến ai ăn một lần cũng muốn dùng nữa.
Cá lăng nướng - đặc sản Đắk Nông - đặc sản của núi rừng được rất nhiều du khách yêu thích. Người dân nơi đây thường nói vui nếu ai đến Đắk Nông mà chưa thưởng thức cá lăng nướng thì chưa được xem là đã đến đây.
Trong miếng cơm lam, người ta có thể cảm nhận đầy đủ vị ngọt thơm của gạo dẻo lẫn trong mùi nứa nướng nồng hương. Mặc dầu được làm từ loại gạo dẻo hoặc gạo nếp nhưng khi dùng cơm lam, người ăn không hề biết ngán và dù có kèm với những món ăn khác như gà nướng, bò nướng thì mùi cơm lam vẫn không thể lẫn vào đâu được.
Cũng như các tỉnh Tây nguyên, với lợi thế vùng đất đỏ bazan màu mỡ, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho trồng và phát triển cây cà phê. Diện tích trồng là 75.946 ha, chiếm 59% tổng diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm và tổng sản lượng hàng năm đạt 138.521 tấn (cà phê nhân). Vùng đất Đắk Nông không chỉ là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt mà còn tạo nên những hạt cà phê có chất lượng cao, hương vị khác biệt so với những vùng khác, nổi tiếng là cà phê vối (Robusta). Cà phê Đức Lập – Đắk Mil là thương hiệu lâu đời và uy tín nhất của Đắk Nông.
Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã biết đến khoai lang Tuy Đức. Xuất xứ của sản phẩm này là từ những năm đầu mới thành lập tỉnh, người dân xã Đắk Búk So (huyện Đắk R’lấp nay thuộc địa bàn huyện Tuy Đức) đã đưa giống khoai lang Benzen có nguồn gốc từ Nhật Bản về trồng.
Đến với Tây Nguyên đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Khi thưởng thức măng chua rừng - đặc sản Đắk Nông bạn mới cảm nhận hết được những nét giản dị, mộc mạc của nó. Không phải là một món ăn cao sang, măng chua rừng mộc mạc như bản chất của người dân tộc Tây Nguyên và để lại trong lòng mỗi thực khách một cảm giác thật ngon, thật lạ vì chính bản chất bình dị, tự nhiên vốn có của nó.
Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh, khi nấu chín có vị dẻo, ngọt và bùi, thường dùng để nấu canh thụt chung với đọt mây, hay xào với các thực phẩm khác... Không chỉ thơm ngon, lá bép còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khỏe. Một loại rau đặc trưng, được ưa chuộng và không thể thiếu trong bữa ăn của đồng bào là cà đắng. Quả cà đắng có hình dạng giống cà pháo, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt là có vị đắng rất đặc trưng.
Loại rau mà người Thái gọi là ''pắc cút'' có hình dáng giống cây dương xỉ nhưng thân to, tán rộng hơn, màu xanh mỡn. Hằng năm, các trận lụt đầu mùa với dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bón cho đám rau dớn thêm phần tươi tốt và chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc theo mùa xuân sắp về. Vì thế, rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Lá rau dớn non uốn cong như vòi con voi, có nhựa nhớt, cây xanh tươi tốt quanh năm. Người ta thường chỉ hái ngọn cong non, lá bánh tẻ để làm nộm.
Bất kể lễ hội, lễ tết nào trong năm, người Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Nông nói riêng đều quây quần bên nhau bên ché rượu cần, say điệu cồng chiêng và nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng. Rượu được cho một sản vật được Trời (Yang) sai thần linh mách bảo con người làm ra để cúng tế.
Với lợi thế về đất đai, địa hình, khí hậu nên Đắk Nông rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả như bơ, mít, xoài, chôm chôm, măng cụt,… và đặc biệt là Sầu riêng. Sầu riêng Đắk Nông có hương thơm, vị béo ngọt khiến cho ai đã thưởng thức một lần thì nhớ mãi và ngon nhất vẫn là sầu riêng được trồng tại huyện Đắk Mil. Sầu riêng Đắk Mil được nhiều người biết đến với mệnh danh là “Ông vua” của các loại cây ăn quả. Sầu riêng Đăk Mil đem lại năng suất cao, hương vị đậm đà, đặc trưng của vùng đất đỏ bazan. Đắk Mil có 195ha diện tích đất trồng cây sầu riêng, cho sản lượng 2.185 tấn/năm, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu cây trồng của huyện. Chính vì thế đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang