Hỗ trợ tối đa tiêu thụ 130.000 tấn vải thiều Bắc Giang

author 18:06 19/05/2016

(VietQ.vn) - Tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang năm nay 130 nghìn tấn, chất lượng ngon hơn năm ngoái. Bắc Giang đang làm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa để tiêu thụ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo Sở Công thương Bắc Giang, tổng diện tích vải thiều Bắc Giang năm nay khoảng 30 nghìn ha, giảm 1 nghìn ha so với năm 2015. Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh ước đạt 130 nghìn tấn, giảm 65 nghìn tấn so với năm ngoái. Trong đó vải chín sớm ước đạt khoảng 23 nghìn tấn (chiếm 17,7%), vải thiều chính vụ là 107 nghìn tấn (chiếm 82,3%), tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế và Sơn Động.

Vải thiều Bắc Giang năm nay ngọt ngon hơn năm ngoái 

Vải thiều Bắc Giang năm nay ngọt hơn năm ngoái

Đánh giá về chất lượng vải thiều vụ năm nay, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay: “Chất lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang năm nay ngon hơn so với các năm trước”. Nguyên nhân, theo ông Thái do các cơ quan chuyên môn thường xuyên hướng dẫn quy trình, mở rộng diện tích tổ chức sản xuất theo hình thức tiên tiến, đảm bảo sản xuất vải thiều sạch, chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Để tiêu thụ hết 130.000 tấn vải thiều, tỉnh Bắc Giang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều của tỉnh. Trong các giải pháp này, thì giải pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tổ chức các đoàn công tác của tỉnh làm việc với các tỉnh biên giới để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, xuất khẩu vải thiều qua cửa khẩu được đặc biệt chú trọng.

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, tỉnh đã và đang tập trung xúc tiến, quảng bá trái vải trên các phương tiện truyền thông, tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh có cửa khẩu (Lào Cai, Lạng Sơn...) để bàn cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ. “Chúng tôi tăng cường phối hợp, kết nối giữa các thương nhân tiêu thụ vải của tỉnh với Hiệp hội bán lẻ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố, đẩy mạnh tiêu thụ vải tại các chợ đầu mối. Đặc biệt, tỉnh chủ động mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ”, ông Thái nói.

Được biết, trong năm 2015, tỉnh Bắc Giang đã có sự phối hợp hiệu quả với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty TNHH Một thành viên Ánh Dương Sao (TP.Hồ Chí Minh) … để đưa trái vải tươi xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Pháp, và niên vụ 2016, sự liên kết với các doanh nghiệp này vẫn được kết nối chặt chẽ.

Tác hại ‘chết người’ từ rau muống ít ai biết(VietQ.vn) - Rau muống là một trong những loại rau phổ biến nhất. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng nếu ăn không đúng cách sẽ gây ra những tác hại khôn lường.

Sắp tới,  UBND tỉnh Bắc Giang sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Lào Cai, Lạng Sơn, TP.Hồ Chí Minh và tổ chức Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội từ ngày 24/6.

Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, mùa vải thiều năm 2015 cho thấy, nhờ làm tốt công tác thị trường và nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tiêu thụ vải thiều được mùa cả về lượng lẫn giá bán.

Mức giá bán vải thiều năm 2015 cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, với tổng diện tích trên 31.000ha, sản lượng vải thiều Bắc Giang đạt 195.000 tấn quả tươi, giá bán trung bình đạt 15.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 khoảng 3.000 đồng/kg.

Trung Quốc vẫn là một thị trường cần quan tâm

Theo các chuyên gia, ngoài các thị trường truyền thống, Bắc Giang cần chú trọng tìm kiếm các thị trường mới. Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, Bắc Giang cần đa dạng các thị trường tiêu thụ. Ngoài các thị trường truyền thống: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam, năm 2016, Bắc Giang cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng mới ở phía Bắc và các tỉnh, thành phố miền Trung.

Còn bà Trần Thị Phương Lan -  Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thì cho rằng, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ vải thiều lớn, tuy nhiên sự ổn định trong quá trình tiêu thụ đối với thị trường này là một thách thức không nhỏ. Do vậy, Bắc Giang cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cùng quan điểm, ông Vi Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho hay, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn, do vậy cần khai thác hiệu quả thị trường này. Các doanh nghiệp, thương nhân nên thay đổi phương thức kinh doanh với thương nhân Trung Quốc từ kinh doanh bán chợ thành phương thức kinh doanh ngoại thương mua bán ràng buộc pháp lý bởi hợp đồng ngoại thương.

Doanh nghiệp cần chú ý phân loại, lựa chọn hàng hóa cẩn thận, đúng quy trình từ khâu thu hoạch, đóng gói, tránh để thương nhân Trung Quốc lấy lý do ép giá.

Với cái nhìn cụ thể hơn, bà Nguyễn Quỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, Bắc Giang cần giới thiệu danh sách các thương nhân, các nhà cung cấp uy tín để thành phố Hồ Chí Minh có sự kết nối thu mua. Đồng thời 2 tỉnh, thành phố cần có sự kết nối chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, cùng bàn các biện pháp tiêu thụ.

Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang cần đảm bảo và cam kết sản xuất vải thiều có chất lượng tốt, an toàn, đủ sản lượng để phục vụ miền Nam, từng bước mở rộng sang thị trường miền Tây.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang