Khách hàng tiếp tục 'rồng rắn' xếp hàng để hoàn thiện thủ tục là 'lỗi của nhà mạng'

author 06:34 25/04/2018

(VietQ.vn) - Trước sức ép mà các nhà mạng đưa thông tin "Nếu không bổ sung ảnh, sẽ bị khóa chiều gọi đi" khiến cho hàng triệu thuê bao di động nháo nhào đi đăng ký gây nghẽn mạng và đặc biệt là tình trạng kẹt cứng, lộn xộn.

Những ngày gần đây, thông tin về việc hơn 34 triệu thuê bao phải cập nhật lại thông tin, bổ sung ảnh khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều điểm giao dịch của các nhà mạng luôn quá tải vì rất đông người dân đến bổ sung thông tin bị thiếu và ảnh chân dung. Đến thời điểm này vẫn không có nhiều sự thay đổi, các điểm giao dịch luôn trong tình trạng "căng như dây đàn".

Nghị định 49 có hiệu lực từ 24/4/2017 quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình mà thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP.

Nội dung này được diễn giải một cách dễ hiểu là trong vòng 3 tháng khi nghị định có hiệu lực thì các nhà mạng có trách nhiệm thu hồi sim rác và "trong vòng 1 năm thì có trách nhiệm hướng dẫn các thuê bao đăng ký cho đúng". Thế nhưng, hầu hết các thuê bao đã không nhận được thông báo cho đến khi các nhà mạng "cuống cuồng" thực hiện Nghị định 49.

Theo ghi nhận, gần đến thời hạn (24/4/2018) các nhà mạng mới ráo riết thông báo cho các chủ thuê bao đến bổ sung thông tin, nếu không sẽ bị khóa chiều đi khiến cho hàng triệu thuê bao di động nháo nhào đi đăng ký gây nghẽn mạng và đặc biệt là tình trạng kẹt cứng, lộn xộn tại các đại lý trong mấy ngày vừa qua.

"Tôi nhận được tin nhắn của nhà mạng thông báo đề nghị đến các cửa hàng hoặc đại lý của hãng để cập nhập thông tin nên phải vội vàng đi đăng ký", một chủ thuê bao chia sẻ.

Theo ông Vỹ (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết: “Tôi đã gần 80 tuổi, hầu như chỉ dùng điện thoại để nghe và gọi, không biết đọc tin nhắn. Khi thấy các con gọi điện về nói kiểm tra xem thuê bao có phải bổ sung thông tin không, nên tôi mới đi ra điểm giao dịch để kiểm tra. Tuy nhiên, do lượng khách đến giao dịch quá tải nên phải đợi từ sáng đến chiều mới làm xong”.

Anh Hải Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Sau khi có thông tin có thể đăng ký online tôi rất mừng. Nhưng sau nhiều lần truy cập mà ứng dụng liên tục trong tình trạng bận hoặc treo, việc kết nối với website cũng chập chờn nên cuối cùng phải qua điểm giao dịch để đăng ký”.

Nhà mạng cấp tập "giục" thuê bao nộp ảnh chân dung

Bức xúc vì đi lại 3 lần mới hoàn thành xong việc bổ sung thông tin và ảnh theo quy định, chị Lan (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, theo quy định của Nghị định này là trong 12 tháng nhà mạng phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình. Vậy sao 12 tháng qua, mấy nhà mạng này làm gì mà tới ngày cuối cùng mới "dí" khách hàng bổ sung. "Đây là lỗi của nhà mạng".

Cùng với đó, có rất nhiều người không nhận được tin nhắn thông báo về việc phải bổ sung thông tin từ nhà mạng. Tuy nhiên do lo lắng sim của mình vẫn phải nằm trong diện cập nhật ảnh chân dung và thông tin nên cũng ra các điểm giao dịch để tiến hành đăng ký. Ngoài ra, phóng viên cũng ghi nhận được nhiều trường hợp khách hàng sử dụng thuê bao di động từ 6 đến 7 năm trước, nhưng giờ mới biết mình không phải là chính chủ; hay có chủ thuê bao đi lại nhiều lần mới làm xong.

Dù cả ba nhà mạng đều có nhiều cố gắng bằng việc tăng giờ làm, bố trí thêm nhân sự hỗ trợ khách hàng, song qua đợt bổ sung thông tin cá nhân lần này đã bộc lộ sự lúng túng, yếu kém trong công tác tổ chức. Thời gian quá gấp gáp, các điểm giao dịch không đủ đáp ứng, trong khi theo thống kê có tới 34 triệu thuê bao trong diện phải đăng ký bổ sung thông tin… là nguyên nhân khiến suốt mấy tuần qua cả nhà mạng và khách hàng đều khổ sở vì quá tải.

Trước tình trạng trên, nhiều nhà mạng đã đồng loạt thông báo gia hạn việc cập nhật thông tin với các chủ thuê bao. khách hàng chưa bổ sung thông tin hay chụp ảnh chân dung vẫn có thể đến các điểm giao dịch của các nhà mạng để bổ sung thông tin.

Thuê bao di động nháo nhào đi đăng ký tại các đại lý

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) khẳng định, ngày 24-4-2018 là mốc thời gian mà doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định...

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông, cũng không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp. Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp và họ không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Về trường hợp có khách hàng “bỗng dưng” là “chủ” của nhiều thuê bao “lạ”, đại diện VinaPhone và MobiFone đều cam kết, sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Đại diện Viettel, Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực là cơ hội để các doanh nghiệp và khách hàng rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, tránh trường hợp khách hàng phải đứng tên những thuê bao không mong muốn. Viettel sẽ hỗ trợ khách hàng xác nhận và chỉ giữ lại những thuê bao khách hàng đang sử dụng thực sự.

Theo quy định tại Nghị định 49, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Với trường hợp thuê bao không thực hiện theo yêu cầu, nhà mạng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Sau đó, nhà mạng sẽ thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện bổ sung thông tin theo quy định.

Đối với các số thuê bao đã bị chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông nói trên, doanh nghiệp có quyền cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu. Như vậy, theo quy định này, thì cho dù tới hạn chót, bị khóa một chiều thì thuê bao vẫn còn thời gian để "cứu" số điện thoại của mình bằng cách "nạp" đủ thông tin theo quy định.

 Minh Hải

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang