Khoa học và Công nghệ là 'chìa khóa vàng' thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

author 09:31 08/10/2015

(VietQ.vn) - Nghèo, lạc hậu không có nghĩa là thiệt thòi bởi những nước đi sau sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sáng nay (4/12) tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo: "Xác định đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam".

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh; Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải; Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; PGS. TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoa học và công nghệ như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh và nhiều đại diện từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt NamThứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Năng suất yếu tố tổng hợp - TFP đóng góp 28% GDP

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho rằng, các doanh nghiệp đột phá về phát triển công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, từ đó tạo động lực để các nguồn lực sản xuất sẽ được chuyển dịch vào các doanh nghiệp tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội. Đây là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của khoa học và công nghệ đã tác động lên tăng trưởng kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sự thành công thần kỳ của các nước Đông Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc… đều dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, khoa học và công nghệ đều được coi là động lực chủ đạo. Thực tế cho thấy, quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực khoa học và công nghệ đều đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Quang cảnh Hội thảo Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt NamQuang cảnh Hội thảo Xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp - TFP, trong đó TFP được tính bằng lượng giá trị gia tăng trên một đơn vị tổng hợp các yếu tố đầu vào là vốn và lao động. Nếu với nguồn lực (vốn và lao động) không thay đổi nhưng tạo ra được giá trị đầu ra lớn hơn, thì phần lớn hơn đó là từ cải tiến năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn và mức gia tăng hiệu quả sử dụng, hoặc sử dụng thiết bị và lao động tốt hơn.

“Tăng TFP có thể được coi là một sự cải tiến hiệu quả của công nghệ sản xuất và tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 – 2015 sẽ vào khoảng hơn 28%. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đang có xu hướng tăng cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động của nước ta đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra. Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Đó là nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng

Là chuyên gia giàu kinh nghiệm nghiên cứu về TFP, PGS - TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Việt Nam cần phải ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ mà người dân cảm nhận được ngay.

PGS - TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore

PGS - TS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo

PGS - TS. Vũ Minh Khương dẫn ra ví dụ, đầu nguồn nước của 63 tỉnh, thành phố đều lắp con chip để đo được chỉ số ô nhiễm của toàn bộ các đồng hồ trong tỉnh, sáng ra  chỉ số hiện lên rõ ràng, cho thấy các khu vực nào bị ô nhiễm. Đầu tư cho việc này rất tối thiểu, kiểm soát rất rõ ràng, quan chức chỉ đóng vai trò là quan toàn xử.

“Phải làm sao cho toàn thể xã hội chuyển động theo xu hướng rất mạnh mẽ. Thế giới đang làm thế nào, Việt Nam nên cố gắng áp dụng chuẩn mực như thế”, PGS - TS. Vũ Minh Khương nói.

Về cơ bản, khi xác định các đóng góp của TFP vào nền kinh tế bao giờ cũng có 2 nguyên lý cơ bản. Nguyên lý thứ nhất là phá hủy sáng tạo. Khoa học và công nghệ tạo nên quá trình đột biến công nghiệp, giúp “không ngừng đổi thay cách mạng về cơ cấu kinh tế từ bên trong, liên tục phá hủy cái cũ, liên tục kiến tạo cái mới". Đây là quy luật rất quan trọng khi nói về bản chất vận hành của nền kinh tế tư bản.

Các chuyên gia tham dự Hội thảoCác chuyên gia tham dự Hội thảo

Nguyên lý thứ hai là Lợi thế lạc hậu (Gerschenkron, 1962), tức lợi thế của những nước đi sau, khoảng cách lạc hậu càng xa càng học hỏi được nhiều. Theo đó, các nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ  của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp.

“Khoảng cách càng xa (càng lạc hậu về công nghệ) càng có khả năng đạt được nhiều thành công ấn tượng trong nỗ lực này. Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng cần phải học hỏi. Đây là thời kỳ Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn”, PGS - TS. Vũ Minh Khương nói.

Nói về vấn đề đầu tư cho khoa học và công nghệ, PGS - TS. Vũ Minh Khương cho rằng, chi nguồn không chỉ của nhà nước mà còn là của tư nhân, trong đó chi nguồn của tư nhân rất quan trọng.

Hội thảo còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng và rất quen thuộc của Việt Nam như ông Lê Đăng Doanh và bà Phạm Chi LanHội thảo còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế nổi tiếng và rất quen thuộc của Việt Nam như ông Lê Đăng Doanh và bà Phạm Chi Lan

“Nếu doanh nghiệp tư nhân không bỏ tiền vào lĩnh vực này là có vấn đề. Tôi quan sát những doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM, họ lan man ra các địa phương khác để tận dụng lao động giá rẻ chứ không đầu tư đi sâu vào cải tiến công nghệ chiều sâu, nhiều doanh nghiệp tạo thành một vòng luẩn quẩn giữa đầu tư vào cải tiến khoa học công nghệ và đầu tư theo hướng tận dụng nhân công giá rẻ ở các tỉnh lân cận trung tâm và đã không tận dụng được lợi thế về đầu tư công nghệ. Do đó, Nhà nước cần có chính sách kích hoạt chứ không nên bao cấp nhiều. Rõ ràng những doanh nghiệp đầu tư nhiều vào KHCN có sự tăng trưởng rất tốt và có thể cạnh tranh toàn cầu”, PGS - TS. Vũ Minh Khương khẳng định.

Chất lượng Việt Nam sẽ liên tục cập nhật các ý kiến chuyên gia đưa ra tại Hội thảo

Thu Hoài - Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang