Không để công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

author 09:21 28/08/2014

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh như trên tại cuộc làm việc với doanh nghiệp TW, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Đảng ủy khối trong chiều 27-8.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại cuộc làm việc 

Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực VN (EVN) Hoàng Quốc Vượng báo cáo: các doanh nghiệp Trung Quốc (TQ) trong 10 năm trở lại đây đã tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành điện nước ta.

Cụ thể như các doanh nghiệp TQ cung cấp điện cho VN từ 2-2,5 tỉ kWh/năm. Các nhà thầu TQ đang tham gia làm tổng thầu EPC tại tám dự án nhà máy điện và hai cảng biển dân dụng. Đó là các dự án nhiệt điện than với tổng công suất trên 6.000MW, có năm nhà máy đã đi vào phát điện với tổng công suất trên 3.000MW.

Các nhà thầu TQ cũng đang tham gia cung cấp, lắp đặt thiết bị hoặc thi công, xây lắp tại năm dự án thủy điện, cung cấp vật tư thiết bị tại 33 hợp đồng với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng thuộc 19 dự án đầu tư xây dựng... Tổng giá trị các công trình, dự án, hợp đồng mà các nhà thầu TQ tham gia cho đến nay trên 6 tỉ USD, trong đó đã giải ngân trên 3 tỉ USD.

Một bài học không được để tái diễn

Về việc vì sao các nhà thầu TQ có thể tham gia nhiều dự án ở VN, ông Vượng nói: “Thứ nhất, các nhà thầu TQ với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ TQ, đã đưa ra các bản chào thầu hấp dẫn với phương án tài chính được thu xếp... Thứ hai, giá chào của các doanh nghiệp TQ luôn rẻ hơn so với các nhà thầu từ các nước khác, thậm chí rẻ hơn so với nhà thầu VN”.

"Phải tìm cách xử lý triệt để nợ xấu. Không phải một năm xong mà vạch ra lộ trình, bàn kỹ sao cho không gây thiệt hại cho nền kinh tế. Trước đây có thời điểm tập đoàn, tổng công ty muốn thành lập rất nhiều ngân hàng, tôi nghe vậy phải báo động, can ngăn ngay. Đầu tư ngân hàng không dễ, kinh doanh tiền tệ khó lắm, làm nghề nào thông thạo nghề đó thì hơn".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tuy nhiên, sự tham gia của các nhà thầu TQ cũng có những mặt trái cần xem xét giải quyết. Đầu tiên là tiến độ các dự án thường bị chậm do năng lực, cách thức quản lý, thực hiện dự án của các nhà thầu TQ chưa thật sự tiên tiến so với các nhà thầu đến từ các nước G7.

Chất lượng vật tư, thiết bị, công nghệ cũng thấp hơn so với công nghệ, thiết bị từ các nước phát triển. Thường là mất nhiều thời gian cho công tác thí nghiệm, điều chỉnh, các công trình khi đi vào hoạt động không ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra sự cố.

Cũng theo ông Vượng, hiện nay EVN đã và đang chuẩn bị các phương án ứng phó. Cụ thể, trong tính toán cung cầu năng lượng từ nay đến năm 2020, nhu cầu mua điện từ TQ chỉ chiếm trên 1% sản lượng điện thương phẩm hằng năm của VN, EVN đã có kế hoạch giảm dần lượng điện mua từ TQ, khi cần thiết hoàn toàn có thể thay thế nguồn điện TQ bằng nguồn điện trong nước.

Đối với các dự án nhiệt điện đã vận hành, phía VN đã đảm nhận toàn bộ công tác vận hành và sửa chữa theo đúng quy trình sản xuất, các dự án chưa xong thì đang trong tầm kiểm soát và đang được đẩy nhanh tiến độ. Về lâu dài, ông Vượng cho rằng chúng ta cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để các nhà thầu trong nước tham gia cung cấp thiết bị mà các nhà thầu trong nước có thể chế tạo được thông qua các cơ chế chính sách về đấu thầu, về vốn. Cùng với đó, bản thân các nhà thầu trong nước phải tự nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ ngành điện không được chủ quan trong phát triển nguồn điện, vì thời gian tới nếu kinh tế phục hồi, tăng trưởng 7-8% trở lên thì sẽ thiếu điện. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh không chấp nhận tình trạng công nghệ rẻ, lạc hậu vào nước ta vì tiêu tốn nhiều nguyên liệu và cuối cùng “giá thành sản phẩm vẫn cao hơn người ta”.

Theo Chủ tịch nước, hiện nay một số văn bản pháp luật có liên quan đã được các cấp có thẩm quyền sửa đổi để giải quyết vấn đề công nghệ này. Chủ tịch nước thẳng thắn nói để xảy ra tình hình nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường như vừa qua “chúng tôi có lỗi, nhưng vị nào làm trực tiếp có lỗi to hơn”. “Tìm thị trường đã khó, ta có thị trường không chiếm lĩnh mà để người khác chiếm lĩnh. Đây là bài học kinh nghiệm không thể để tái diễn” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đừng bắt DNNN điều tiết vĩ mô thái quá

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong chính trị. Theo Chủ tịch nước, gần đây có một số ý kiến khuyến cáo rất đúng là đừng bắt DNNN trở thành một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô một cách thái quá, vì can thiệp quá sâu bằng biện pháp hành chính trong nền kinh tế thị trường sẽ dẫn đến méo mó.

Chủ tịch nước khẳng định từ đổi mới đến nay, các DNNN đã có bước tiến lớn, tuy nhiên bên cạnh những mặt nổi trội của nhiều tập đoàn, tổng công ty thì cũng có không ít DNNN lâm vào trình trạng khó khăn, “ngồi đây có nhiều đồng chí ngon lành, phơi phới, nhưng một số đồng chí trong bụng đang lo”.

Theo Chủ tịch nước, trong những năm tới với đà hội nhập ngày càng sâu rộng, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, các tập đoàn, tổng công ty phải “chạy nhanh hơn nữa” mới mong không bị thua thiệt. “Đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may đang hăm hở, nhưng mà nhớ rằng nguyên liệu đầu vào hơn 60% phụ thuộc bên ngoài. Ta có thể đàm phán để họ linh hoạt thời gian nhưng cũng chỉ từ 4-5 năm” - Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải “chạy nhanh” theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và bền vững. “Tập đoàn dầu khí VN (PVN) muốn rằng nhắc đến VN là nhắc đến PVN cũng như nhắc đến Malaysia là nhắc đến Petronas, nhưng tổng tài sản người ta gần như gấp đôi mình. Phải làm sao để chạy kịp người ta, mà họ đâu đứng chờ mình. Việc thành công trong tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ góp phần làm cho cả nền kinh tế có sự chuyển biến mạnh. Còn nếu làm chậm, làm không có kết quả thì sẽ làm cho nền kinh tế trì trệ” - Chủ tịch nước nói.

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước nói cần “chốt” lại việc Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối tại các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước như quốc phòng, an ninh, còn những lĩnh vực không hệ trọng thì Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Chủ tịch nước phân tích hiện nay tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty rất lớn, vì vậy “không thể nói là thiếu tiền”, vấn đề là phải thay đổi cơ chế quản lý. Một tập đoàn muốn có vốn đầu tư mới, đầu tư ra nước ngoài thì cổ phần hóa nhà máy nào đó của tập đoàn để lấy tiền đầu tư, đầu tư xong ai có nhu cầu thì bán bớt cổ phần để đầu tư chỗ khác. “Một số nước Đông Nam Á đã làm như vậy cách đây hơn 20 năm rồi, còn ta vẫn nghiên cứu, hội thảo khoa học. Nhà máy nằm ở VN chạy đi đâu? Sở hữu có thể đổi. Nhưng số tiền lấy ra rồi đầu tư tiếp tục là của Nhà nước. Thế giới đã chuyển động ghê gớm, còn ta thì thế này sao được” - Chủ tịch nước nói.

Quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Trong hai ngày 27 và 28-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8-2014. Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tại đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận vào bốn nội dung chủ yếu, trước hết là tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cả năm là 5,8%. Trong nhiều giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận giải pháp tăng tổng cầu của nền kinh tế, chú ý vào việc tăng dư nợ tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng...

Nhóm giải pháp tiếp theo mà Thủ tướng yêu cầu thảo luận là tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu một tinh thần quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ trong chỉ đạo của các bộ trưởng. “Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước là kém hiệu quả, là thua lỗ, là tiêu cực” - Thủ tướng nhấn mạnh. Về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai với tinh thần dứt khoát, dứt điểm trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu. “Kiên quyết thực hiện tái cơ cấu ngân hàng vì an toàn của hệ thống, vì lợi ích của người dân. Dứt khoát các ngân hàng yếu kém phải kiểm soát chặt chẽ, cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật” - Thủ tướng phát biểu.

Về nhóm giải pháp cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Từ nay đến cuối năm và năm sau, thủ tục hải quan giảm một nửa số giờ, thuế giảm từ khoảng 500 giờ xuống 200 giờ, thủ tục bảo hiểm từ hơn 300 giờ xuống dưới 100 giờ. Thủ tục đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận điện giảm từ 1/3 đến một nửa thời gian so với hiện nay. Các đồng chí bộ trưởng đã cam kết với tôi, còn các bộ trưởng khác tiếp tục rà soát và mạnh dạn cắt giảm thủ tục. Đây là môi trường đầu tư, đây là sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo Tuổi trẻ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang