Kiểm tra mẫu nước, xác định 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng

author 10:27 08/11/2020

(VietQ.vn) - Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố từ năm 2017-2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm, 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao tại Hoài Đức như: điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; đồ mộc- may thôn Hữu Bằng, huyện Thạch Thất đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, mùi hôi thối trong sản xuất chăn nuôi, tàn dư nông sản trong sản xuất trồng trọt; ô nhiễm nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt hàng ngày của khu vực nông thôn thải ra… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý. Qua đó đặt ra “bài toàn” cần phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ và hiệu quả, bền vững.

Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 26 cụm công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải, 11 cụm công nghiệp đã được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội đang tiến hành triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2020, 2021. Còn lại 33 cụm công nghiệp hiện nay do chưa hoàn thành hạ tầng, các đơn vị sản xuất trong cụm chưa lấp đầy nên chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với các đơn vị vào sản xuất trong cụm công nghiệp này tuy đã có hệ thống xử lý nước thải của hộ gia đình nhưng hệ thống xử lý đơn giản, phần lớn mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý, dẫn đến nước thải chưa được xử lý cơ bản xả thải trực tiếp ra môi trường.

Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã (như làng nghề nón, mũ lá, mây tre, dệt may, da giầy, khâu bóng...).

Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố từ năm 2017-2020 có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, có 95 làng nghề ô nhiễm, có 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Nước thải của một số ít làng nghề được chuyển đến cụm công nghiệp làng nghề có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn nước thải tại các làng nghề đều xả thải thẳng ra môi trường với mức độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Điều đó đã khiến hệ thống nước mặt cũng như nước ngầm tại các làng nghề Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.

Chính vì vậy, theo ông Chu Phú Mỹ, để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các làng nghề hiệu quả cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý cũ không đáp ứng yêu cầu thay thế bằng hệ thống xử lý công nghệ mới thân thiện với môi trường; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp.

Đối với các làng nghề cần tập trung đánh giá tác động môi trường của các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm bằng công nghệ mới. Đồng thời nghiên cứu, quy hoạch, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư; đưa công nghệ mới xử lý nước thải của các làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ đầu nguồn sản xuất.

Theo ông Trần Sỹ Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề, trước hết phải chú trọng đến các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt; ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của từng địa phương, các ngành, lĩnh vực hoạt động làng nghề. Đồng thời các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Xây dựng tiêu chí “Làng nghề xanh” nhằm xếp loại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Di rời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, cần tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm; xây dựng các lộ trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt.

Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế, không khuyến khích phát triển và một số hoạt động, công nghệ cần được cấm triệt để.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang